Cho trẻ sơ sinh nằm phòng điều hòa, bác sĩ bệnh viện Phụ sản Hà Nội lưu ý mẹ 5 ghi nhớ cực kỳ quan trọng để trẻ không bị viêm phổi

Với trẻ sơ sinh, sức đề kháng còn non nớt nên các mẹ đều phải cẩn thận trong chăm sóc trẻ, nhất là trong thời tiết nắng nóng và mẹ đang sử dụng điều hoà cho con.

Đặc điểm thân nhiệt của trẻ sơ sinh

Giai đoạn sơ sinh là khoảng thời gian được tính từ sau khi bé chào đời đến khi bé được đủ 30 ngày tuổi. Trẻ sơ sinh còn rất non yếu, trẻ không có khả năng tự điều hòa nhiệt độ cơ thể như những trẻ lớn hơn hoặc người lớn.

Trẻ có thời gian nằm trong bụng mẹ khá dài, suốt 40 tuần luôn được ấm áp với thân nhiệt của mẹ trong khoảng khoảng 37.5 – 38 độ C. Vì vậy sau khi chào đời, trẻ sơ sinh thường rất dễ bị lạnh nếu không được chú ý chăm sóc: Lau khô người sau tắm, mặc áo, quấn khăn đội mũ hoặc thực hiện da kề da với người mẹ.

Phòng trẻ sơ sinh nên bật điều hòa bao nhiêu độ?

Phòng trẻ sơ sinh nên bật điều hòa bao nhiêu độ?

Trẻ sơ sinh nên nằm phòng điều hòa nhiệt độ bao nhiêu?

Trẻ em nằm điều hòa bao nhiêu độ là thắc mắc của rất nhiều gia đình đang có có nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Bác sỹ Trần Thị Phương Thanh - Khoa sơ sinh – Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết, ngày nắng nóng, mẹ và trẻ thường được ưu tiên ở trong phòng có điều hòa nhiệt độ để tận hưởng không khí mát. Tuy nhiên, việc hít không khí khô và lạnh dễ làm trẻ bị hạ nhiệt độ nên bố mẹ cần lưu ý 5 điều sau:

- Nhiệt độ trong phòng nên duy trì ở mức mát đối với trẻ sơ sinh (từ 28 đến 30 độ), độ ẩm 60-80%. Bố mẹ cũng nên đặt một chậu nước hoặc một chiếc khăn ẩm trong phòng, giúp cung cấp độ ẩm không khí và tránh cho da trẻ bị khô, mất nước.

- Trước khi cho trẻ sơ sinh rời khỏi phòng điều hòa bố mẹ cần cho điều hòa tăng nhiệt độ từ từ, sau đó tắt điều hòa để chế độ quạt để trẻ có thể làm quen với môi trường bên ngoài. Không nên bế trẻ đi ra đi vào phòng điều hòa và môi trường bên ngoài quá thường xuyên, sự chênh lệch nhiệt độ có thể làm trẻ tăng tiết dịch mũi họng.

- Không được cho trẻ sơ sinh nằm trực diện với hướng điều hòa thổi

- Không dùng quạt quạt thẳng vào người trẻ.

- Khi nằm phòng điều hòa, nên đặt trẻ nằm trên nền cotton, không được đặt trẻ nằm trên mặt chiếu tre trúc hoặc nilon dễ làm trẻ bị nhiễm lạnh.

Ngoài việc sử dụng điều hoà đúng cách giúp trẻ sơ sinh tránh mắc các bệnh lý đường hô hấp trên, cha mẹ còn cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Hướng dẫn tắm và vệ sinh rốn cho trẻ

Cũng giống như người lớn, ngày nóng thân nhiệt của trẻ sẽ cao hơn bình thường một chút khiến mồ hôi toát ra nhiều. Việc cần làm của cha mẹ là mặc quần áo thoáng mát, tắm và vệ sinh cho trẻ đúng cách để cơ thể và làn da trẻ được sạch sẽ, thoáng mát và phòng chống nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh.

Cha mẹ nên chọn cho trẻ các loại quần áo bằng chất liệu cotton, không xù, mềm, rộng rãi, thoáng mát và thấm hút mồ hôi tốt để trẻ có cảm giác thoải mái.

Khi tắm cho trẻ sơ sinh, cha mẹ cần dùng nước đun sôi để nguội và các loại dầu tắm gội dành riêng cho trẻ sơ sinh để giảm nguy cơ viêm da, rốn và da trẻ không bị ảnh hưởng bởi hóa chất của các dầu tắm gội không thích hợp.

Nhiệt độ nước thông thường để tắm cho trẻ là 37 đến 38 độ C và nhiệt đồ phòng tắm 28-30 độ. Khi thử nước cho trẻ, bố mẹ có thể dùng một số dụng cụ chuyên dụng để thử nước tắm, hay đơn giản nhất là dùng cùi chỏ tay để kiểm tra nước.

Dù nắng nóng nhưng cha mẹ cũng không nên tắm cho trẻ quá 1 lần trong ngày, không nên ngâm nước lâu (thời gian tắm từ 3-5 phút) vì da trẻ sơ sinh mỏng, nhiều mạch máu dễ bị nhiễm lạnh hoặc nhiễm trùng rốn bé (nếu trẻ dưới 10 ngày tuổi).

Thông thường, rốn của trẻ sẽ tự rụng từ 7 đến 10 ngày. Khi rốn chưa rụng hoặc chưa khô, mẹ cần vệ sinh rốn cho trẻ thật cẩn thận bằng nước đun sôi để nguội, để hở rốn cho nhanh khô, rụng. Nếu có các dấu hiệu nhiễm trùng rốn như sưng viêm, nóng ở vùng rốn hoặc bé bị sốt, chảy máu rốn, rốn lâu rụng ( trên 3 tuần), hoặc sau rụng rốn rỉ nước kéo dài,… cha mẹ cần đưa bé đến bệnh viện hoặc gặp bác sỹ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

V.Linh

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính