Sáng 13/4, Hà Nội họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì. Tham dự cuộc họp có PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ,Tổ trưởng tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ tại ổ dịch Hạ Lôi (Mê Linh).
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh mục đích cuộc họp nhằm đánh giá kết quả thực hiện 14 ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại một địa bàn đặc biệt quan trọng, có nhiều diễn biến phức tạp là Thủ đô Hà Nội, phục vụ cho cuộc họp chiều nay của Thường trực Chính phủ.
Kiến nghị kéo dài cách ly xã hội
Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho rằng: "Qua thực tế, phân tích dịch tễ học, có tới 68% các ca bệnh ở Hà Nội là không có triệu chứng hoặc chỉ triệu chứng rất nhẹ, thoáng qua. Nếu chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng, khả năng bỏ sót đến 2/3", ông Cảm lưu ý và nhấn mạnh đây là tính chất mới hết sức phức tạp của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, các bệnh nhân này không có triệu chứng nhưng vẫn có khả năng lây lan như người đã phát bệnh. Nếu không áp dụng triệt để các biện pháp giám sát, phát hiện, bao vây, khoanh vùng, ông Cảm cho rằng khả năng dịch lây lan rộng, bùng phát ngoài cộng đồng tại Hà Nội là hoàn toàn có thể.
“Đến nay, ta cơ bản kiểm soát được tình hình dịch, nhưng Hà Nội cũng như cả nước đã chuyển sang giai đoạn dịch lây lan ra cộng đồng”, ông nói và nhấn mạnh việc cách ly xã hội cần tiếp tục được thực hiện và thực hiện một cách nghiêm túc.
Cũng tại cuộc họp, PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đánh giá, dịch bệnh đã xâm nhập vào cộng đồng nên thực hiện biện pháp cách ly xã hội là vô cùng quan trọng trong thời điểm này.
Cách ly xã hội chính là biện pháp không để dịch bệnh lây lan. Trong trường hợp dịch bệnh có lây thì chỉ ở một điểm, không có khả năng lây lan ra khu vực khác.
Do vậy, PGS.TS Trần Như Dương đề nghị TP Hà Nội phải làm quyết liệt hơn nữa biện pháp cách ly xã hội.
“Tôi thấy thời gian đầu thực hiện cách ly xã hội khá tốt. Nhưng bây giờ ra đường bắt đầu đông rồi, thậm chí chật cả đường. Như vậy, chúng ta phải chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, thậm chí phải có chế tài mạnh hơn”, ông Dương nói.
Về mặt chuyên môn, PGS. TS. Trần Như Dương cho rằng phải kéo dài hơn nữa thời gian cách ly xã hội để bảo vệ thành quả hiện nay, chứ không chỉ dừng lại vào ngày 15/4 tới.
"Nếu được hỏi, tôi sẽ nói rằng, cần thêm ít nhất một tuần nữa thực hiện giãn cách xã hội. Nhưng cũng phải làm quyết liệt, bởi kéo dài mà không quyết liệt thì bằng thừa. Cách ly xã hội phải thực hiện nghiêm ngặt toàn TP”, PGS. TS. Trần Như Dương nói thêm.
Tình hình ổ dịch tại Sơn Lôi vô cùng phức tạp
Đánh giá về tình hình ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng rất phức tạp. 10 bệnh nhân nhiễm COVID-19 gồm 5 người ở xóm Bàng, 3 người ở xóm Hội, xóm Đường và xóm Cầu mỗi nơi 1 người.
Cơ quan chức năng đã tiến hành khoanh vùng, thiết lập vùng cách ly y tế đối với toàn bộ thôn Hạ Lôi kể từ ngày 8/4 đến hết ngày 5/5 (28 ngày). Đến nay, đã lấy mẫu xét nghiệm 466 trường hợp F1; lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho 10.013 người dân, hiện đã có 3.136 mẫu có kết quả, trong đó 1 mẫu dương tính, còn lại âm tính.
Để tăng cường xử lý cho ổ dịch thôn Hạ Lôi, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cùng một đội phản ứng nhanh đã tăng cường hỗ trợ huyện Mê Linh trong suốt thời gian khoanh vùng.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, cho biết mới đây nhất là ca bệnh 262, ở Hạ Lôi làm việc ở Samsung Bắc Ninh. Hiện đã rà soát được hơn 101 người là F1 của ca bệnh này.
"Đặc biệt, cho biết mỗi chuyến xe đưa đón công nhân từ huyện Mê Linh đến nhà máy Samsung ở Bắc Ninh có khoảng 20 người, mỗi ngày 2 chuyến là bệnh nhân này tiếp xúc với 40 người, trong vòng 1 tuần" - Ông Cảm cho hay.
V.LinhBạn đang xem bài viết Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ: 'Cần thêm ít nhất một tuần giãn cách xã hội' tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].