Hình ảnh bác sĩ Lương bị bắt giam ngày 22/6/2017 đã nhanh chóng trở thành ảnh đại diện tràn ngập trên các trang Facebook, nó lôi kéo được tất cả các y bác sĩ trong cả nước, lôi kéo được cả những người có lương tri, giới luật sư, nhà báo, đặc biệt cả những người thân của các nạn nhân đã chết trong vụ chạy thận nhân tạo.
Giới luật sư và các chuyên gia y tế, họ đã dành nhiều thời gian và tâm sức phân tích một cách khoa học, tỉ mỉ, cặn kẽ; họ chỉ ra một thực tế là cơ quan điều tra và viện kiểm sát không đủ bằng chứng để kết tội Bác sĩ Lương.
Nhưng cơ quan tư pháp vẫn xếp chồng lên nhau những lí lẽ để bỏ tù một bác sĩ.
Những sai lầm y tế và ngoài y tế phải được xử lí riêng
Đằng sau mỗi nạn nhân là một gia đình. Người phụ nữ này là mẹ của một ai đó và vợ của một ai đó. Người đàn ông kia là trụ cột của một gia đình hay cả một dòng họ. Tất cả 8 con người đã chết, một thảm họa y tế chưa từng xảy ra trong lĩnh vực thận nhân tạo.
Vậy ai sẽ phải đứng ra chịu tội?
Câu trả lời sẽ là áp lực đè lên vai cơ quan điều tra, VKS và tòa án; phải tìm cho bằng được những cá nhân chịu trách nhiệm. Nguyên nhân gây ra 8 cái chết, đã được cơ quan giám định pháp y đưa ra rõ ràng, đó là lượng hóa chất tồn dư trong quả lọc máu.
Để buộc tội cá nhân, khoa học hình sự đưa ra yêu cầu bắt buộc phải dựa vào nguyên nhân trực tiếp. Thợ sửa máy Bùi Mạnh Quốc và người giám sát là Trần Văn Sơn, cả 2 đều thỏa mãn nên bị VKS kết tội là hợp lí.
Sẽ là sai lầm khi một sự cố y khoa xảy ra, pháp luật chỉ chăm chăm đi truy cứu trách nhiệm cho một cá nhân.
Nhưng chẳng lẽ bác sĩ vô can?
Câu hỏi này chính là bước ngoặt của vụ án. Và đây là cách lập luận: “Bác sĩ Lương chủ quan không kiểm tra lại hệ thống máy, không xác minh lại thông tin, không báo cáo với trưởng khoa”. Kết quả, Bác sĩ Hoàng Công Lương bị bắt.
Tuy nhiên, nội dung này của công an và VKS tỉnh Hòa Bình có 4 điểm không hợp lý:
- Một là, Bác sĩ Lương không được đào tạo kiểm tra hóa chất tồn dư trong cột lọc.
- Hai là, Quy trình chạy thận nhân tạo theo Quyết định 1338/2004/QĐ-BYT không quy định Bác sĩ Lương phải kiểm tra hóa chất tồn dư trong cột lọc.
- Ba là, Bác sĩ Lương nhận được điện thoại thông báo hệ thống máy đã sửa xong có thể chạy thận, có biên bản bàn giao máy; vậy việc kiểm tra thông tin là không cần thiết.
- Bốn là, Bác sĩ Lương được giao phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo nên không cần thiết phải báo cáo trưởng khoa.
Nếu theo lập luận của Công an và VKS tỉnh Hòa Bình, thì tất cả các thành viên trong ê kíp đều phạm phải 4 “cái sai” trên. Giả sử Bác sĩ Lương báo cáo với trưởng khoa, trưởng khoa lại báo lên trên, thì sẽ có thêm nhiều người khác phạm tội giống Bác sĩ Lương.
Vì thế mà theo tôi, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án các cấp cần phải hiểu và xác định rõ 3 nội dung cực kì quan trọng trong vụ án này: Bác sĩ Lương có lỗi hay không phải xem xét trong bối cảnh chuyên môn y khoa; Không thể quy trách nhiệm Bác sĩ Lương vào công việc mà bác sĩ không có trách nhiệm; Những sai lầm y tế và ngoài y tế phải được xử lí riêng.
Trong y học, pháp luật phải nghiêng về ý nghĩa đạo đức
Luật pháp chỉ nhằm đạt được công lí, trong khi y học “Đúng – Sai” luôn là cặp phạm trù song hành cùng nhau, nhiệm vụ của người thực hành là cố gắng cân bằng giữa lợi ích và tác hại.
Viên thuốc có tác dụng chữa bệnh nhưng nó cũng chính là thuốc độc.
Không thể dựa vào việc bệnh nhân uống thuốc xảy ra tai biến chết người vì tác dụng phụ, luật pháp bỏ tù bác sĩ về tội đầu độc bệnh nhân.
Y học là môn khoa học đặc biệt về con người, nên bác sĩ phải làm việc theo ê kíp, theo từng nhóm, chứ không thể một mình quyết định được tất cả mọi công việc.
Sẽ là sai lầm khi một sự cố y khoa xảy ra, pháp luật chỉ chăm chăm đi truy cứu trách nhiệm cho một cá nhân. Nếu luật pháp mang lỗi hệ thống để quy cho cá nhân rồi bỏ tù, sẽ là một thứ đạo đức không đầy đủ cho thực hành y tế, bởi vì nó cô lập bác sĩ từ một nhóm, một tổ chức, một hệ thống mà họ đang làm việc.
Rõ ràng, thảm họa 8 bệnh nhân tử vong ở BVĐK tỉnh Hòa Bình được đặt trong bối cảnh một vụ tai nạn, mà Bác sĩ Lương và đồng nghiệp của anh không được cảnh báo trước nên không có cách nào để ngăn ngăn chặn.
Bác sĩ Lương không thể hồi sinh lại 8 bệnh nhân đã chết, không thể xoa dịu được sự đau khổ của 8 gia đình. Nhưng không vì thế mà truy tố Bác sĩ Lương với tội danh “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, vì xét theo luật đã sai, phân tích theo đạo đức y khoa phổ hẹp là tập trung vào nghĩa vụ của người kí y lệnh thì lại càng sai nữa.
Vì thế mà trong y học, pháp luật phải nghiêng về ý nghĩa đạo đức; cảm giác tội lỗi cho một sự kiện bi thảm sẽ cô lập bác sĩ, đó chính là hình phạt nghiêm khắc nhất. Suốt nhiều năm làm nghề, tôi chiêm nghiệm điều này và thấy nó đặc biệt đúng với những bác sĩ trẻ như Bác sĩ Lương, những người đang bắt đầu sự nghiệp của họ.
Trần Văn PhúcBạn đang xem bài viết Phiên toà thử thách tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].