Một dự án nghiên cứu của các nhà khoa học tại trường Đại học New York kết hợp với Orb Media tiến hành cho thấy 90% số sản phẩm của các hãng nước đóng chai nổi tiếng trên thế giới có chứa các hạt nhựa siêu nhỏ.
Nghiên cứu 259 chai nước của 11 hãng, từ 19 địa điểm tại 9 quốc gia, cho thấy trung bình một lít nước đóng chai có chứa 10 hạt nhựa siêu nhỏ (kích cỡ khoảng 0,1 mm). Trong số 259 chai tham gia thử nghiệm, chỉ có 17 chai không chứa hạt nhựa.
Họ cho biết phát hiện “lượng hạt nhựa trong nước đóng chai cao gấp đôi” so với nghiên cứu trước đó của họ về nước máy.
11 thương hiệu nước uống đóng chai lớn có liên quan
Bruce Gordon, điều phối viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hoạt động trong lĩnh vực nước và vệ sinh, cho biết câu hỏi cơ bản của nghiên cứu là: Nếu ăn/uống các mảnh nhựa nhỏ suốt đời thì hậu quả sẽ là gì?
“Các mảnh nhựa đó thực sự có thể tác động như thế nào đến cơ thể - hiện chưa có nghiên cứu nào nói với chúng ta điều đó.
Chúng ta thường có một giới hạn “an toàn”, nhưng để có giới hạn đó, để định nghĩa nó, chúng ta phải hiểu được liệu mảnh nhựa có nguy hiểm không, liệu nó có nhiễm vào nước ở một mức độ tập trung gây nguy hiểm không” – ông Bruce Gordon nói.
Ông Gordon nói mình không muốn lên tiếng cảnh báo, đồng thời cũng nhấn mạnh rằng nước còn có thể bị nhiễm độc rất nhiều ở các quốc gia mà nguồn nước bị ô nhiễm bởi rác thải.
Trước khi WHO vào cuộc, tổ chức Orb Media (có trụ sở tại Mỹ) đã phát hiện ra mảnh nhựa trong 11 thương hiệu nước uống đóng chai quen thuộc với người tiêu dùng, bao gồm:
5 thương hiệu nước uống đóng chai quốc tế:
- Aquafina
- Dasani
- Evian
- Nestle Pure Life
- San Pellegrino
6 thương hiệu nước uống đóng chai của quốc gia:
- Aqua (Indonesia)
- Bisleri (India)
- Epura (Mexico)
- Gerolsteiner (Germany)
- Minalba (Brazil)
- Wahaha (China)
Những mảnh vi nhựa sẽ tác động đến bộ phận nào của cơ thể?
Các nghiên cứu của tổ chức Orb Media đã được tiến hành ở Đại học New York.
Tại đây, các nhà nghiên cứu đã sử dụng thuốc nhuộm Nile Red, thuốc nhuộm này sẽ dính vào các mảnh nhựa li ti trong nước.
Giáo sư Sherri Mason của trường đại học đã tìm thấy trung bình 10 mảnh nhựa/lít. Các mảnh nhựa chỉ nhỉnh hơn kích thước của một sợi tóc.
Các mảnh nhỏ hơn, có thể giả định là nhựa nhưng chưa xác định chắc chắn, cũng được tìm thấy - trung bình 314hạt/lít.
Sau khi lọc, những mảnh nhựa lớn có thể dễ dàng nhìn thấy.
Trong số tất cả các chai đã thử nghiệm, 17 chai nước được phát hiện không có mảnh nhựa. Trong khi đó, rất nhiều chai khác lại có hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn mảnh nhựa.
Giáo sư Mason cho rằng: “Điều mà chúng ta biết được là: một số mảnh nhựa đủ to để, một khi được tiêu hóa, nó có thể bài tiết ra ngoài, tuy nhiên trước đó chúng đã giải phóng các chất hóa học trong suốt quá trình di chuyển, gây ảnh hưởng tới sức khỏe”.
“Một số mảnh nhựa thì vô cùng nhỏ, đến mức chúng thực sự có thể đi qua dạ dày-ruột, xuyên qua lớp lót và di chuyển khắp cơ thể. Chúng ta không biết điều này tác động ra sao tới các cơ quan khác nhau của cơ thể và mô. "
Một nghiên cứu trước đó đã phát hiện ra mảnh nhựa siêu nhỏ trong nước máy, bia, muối biển và cá.
Trước đây, các nhà khoa học cũng đã phát hiện thấy mảnh nhỏ titanium dioxide (ô xít ti tan) có thể đi xuyên qua lớp lót của ruột, do đó, họ cho rằng chu trình này cũng có thể diễn ra tương tự với mảnh vi nhựa.
Cuối cùng thì, mảnh vi nhựa sẽ dừng ở đâu trong cơ thể?
Tiến sỹ Stephanie Wright thuộc Trung tâm Môi trường và Sức khoẻ của Đại học King (Anh Quốc) cho rằng: “Các hạt này có thể nằm trong một tế bào miễn dịch trong lớp ruột, hoặc được đưa vào hệ thống bạch huyết của chúng ta, kết thúc trong các hạch bạch huyết, hoặc có một nguy cơ nhỏ sẽ xâm nhập vào máu cũng như tích tụ trong gan”.
"Đây là những hạt cứng ngoại lai mà cơ thể chúng ta sẽ rõ ràng muốn loại bỏ nhưng nó không thể vì nhựa không thể phân hủy, do đó có thể gây tổn hại cho các mô”.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết Phát hiện nước đóng chai Aquafina, Dasani, Lavie... chứa mảnh nhựa siêu nhỏ: WHO lên tiếng tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].