Khi tiếp nhận người khác, người cảm ơn sẽ tán thưởng ưu điểm của người đó, còn người oán hận sẽ bắt bẻ khuyết điểm của người khác.
Khi tiếp nhận ân huệ, người cảm ơn sẽ cảm động rơi nước mắt, còn người oán hận thì hiềm rằng chưa đủ.
Khi tiếp nhận xin lỗi, người cảm ơn sẽ tha thứ khoan dung, còn người oán hận sẽ khí hận đầy mình.
Khi tiếp nhận giúp đỡ, người cảm ơn sẽ cảm động và nhớ về công ơn của người khác, còn người oán hận chỉ biết phàn nàn người khác không đủ chu đáo.
Khi tiếp nhận lời khuyên, người cảm ơn sẽ cảm tạ tấm lòng tốt đẹp của người khác, còn người oán hận sẽ hoài nghi người ta có ý đồ xấu.
Bên ngoài thì mỗi người đều sống trong mỗi hoàn cảnh khác nhau. Nhưng trên thực tế, mỗi người đều sống bên trong thế giới nội tâm của mình. Khi mỗi người cùng tiếp nhận Phật Pháp từ bi phổ độ chúng sinh, tiếp nhận Phật Pháp thuyết giảng từ bi, người cảm ơn sẽ biết ơn và tận dụng mỗi một quan ải để tiến bộ không ngừng, còn người oán hận khi gặp một quan ải sẽ không ngừng oán trách và cứ thế tạo nghiệp càng nặng, sa đọa càng sâu.
Người cảm ơn mang lòng trung nghĩa, giống như một khối nguyên liệu tốt, khi dùng có thể uốn nắn thành khối vuông khối tròn.
Người oán hận ôm lòng gian trá phản nghịch, ngay cả đem làm khối bán thành phẩm cũng không đủ tư cách, khi dùng thì phần nhiều là bại sự hư hỏng.
Về ngoại hình: Người luôn biết ơn luôn có phong thái hoà nhã, khuôn mặt phúc hậu, thất khổ vẫn bình yên, thấy nạn vẫn mỉm cười.
Người luôn oán hận mặt mày luôn cau có, sẵn sàng đối đáp, lên cơn nóng giận với bất cứ ai làm điều không vừa ý. Ở bên cạnh người có tâm thái tốt ta sẽ cảm thấy dễ chịu hơn ở bên người luôn bực bội, suốt ngày nói xấu, kể tội người khác.
Phải giáo dục lại lòng biết ơn từ tấm bé, từ ý thức đầu đời: “Cơm cha, áo mẹ, công thầy”. Nghĩa là bắt đầu từ chữ Hiếu. Phải dạy con trẻ phạm trù rộng hơn của lòng biết ơn khi còn ở trong gia đình. Tránh cho con cái suy nghĩ rằng các tiện nghi vật chất trong nhà dành cho mình là một điều dĩ nhiên không cần cám ơn!
Nhà Phật dạy trong trăm hạnh, hạnh Hiếu làm đầu. Nếu không thương yêu cha mẹ mình thì thử hỏi còn có thể yêu thương ai hơn được. Vì như các nhà giáo dục lý luận, con trẻ phải biết yêu cha mẹ chúng, những người gần gũi nhất, rồi mới đến thầy cô, bè bạn, chòm xóm, căn nhà mà nó sinh ra và khu phố cư ngụ, sau cùng mới là lòng yêu nước.
Nếu ai đó nói yêu nước mà không yêu cha mẹ mình thì đó chỉ là “ngụy ngữ, ngoa ngôn” mà thôi!
Đạo lý này là chân lý vĩnh hằng, là mục tiêu và nội dung của mọi nền giáo dục. Phong hóa xã hội sẽ suy đồi, đạo đức sẽ xuống cấp, lý tưởng rệu rã là những hệ quả tất yếu nếu chúng ta không vun đắp nền tảng gia đình và đạo đức cá nhân bắt đầu từ chữ Hiếu. Hãy chấn hưng đạo Hiếu ngay từ hôm nay trước khi quá muộn.
Vậy nên hãy làm người biết ơn đừng làm người oán hận.
Tuệ TâmBạn đang xem bài viết Ở đời hãy làm người biết ơn chứ đừng làm người oán hận tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].