Cụ thể, một đoạn clip ngắn ghi lại cảnh hai học sinh mặc áo đồng phục của nhà trường hôn nhau ngay trong lớp học được phát tán trên mạng. Trong đoạn clip này, L. được cho là “nhân vật chính”.
Có một trang tin với lượng người theo dõi rất lớn đã đăng tải đoạn clip thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng. Nữ sinh L. bất đắc dĩ phải “nổi tiếng” thông qua đoạn clip nói trên.
Ngay sau khi đoạn clip đăng tải trên mạng xã hội, L. đã tỏ ra lo lắng và nghĩ quẩn. Em đã chọn cách tử tự để “giải thoát” khỏi cảm giác tội lỗi đó.
Trước sự việc này, nhiều người đã đặt ra vấn đề hiện nay, tình trạng bị đăng tải clip, hình ảnh cá nhân trên các trang mạng xã hội không phải hiếm, nhưng lại có trường hợp đau lòng xảy ra như vậy.
Phải chăng, sống trong thời đại số, các em đang thiếu đi kỹ năng sống và giá trị sống của bản thân để ứng phó với những “biến cố” rồi tự tìm hướng giải quyết tiêu cực như vậy?
Trước vấn đề trên, PV Gia Đình Mới đã có trao đổi với TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội và chuyên gia nghiên cứu truyền thông Nguyễn Ngọc Long.
Hậu quả đáng tiếc từ mạng xã hội
PV: Thưa TS Lâm và chuyên gia Long, sau khi nghe câu chuyện về bạn nữ sinh trên ông có cảm nhận gì về sự việc này?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Đây là thông tin không tốt lành, nó mang đến nhiều đau xót cho những người làm cha, làm mẹ, làm thầy như chúng tôi, bởi đây là những việc không đáng có.
Một em học sinh, học giỏi, ngoan ngoãn chỉ vì gặp thông tin như vậy mà không biết cách xử lý mà đi đến cái cách xử lý hết sức tiêu cực. Đây là một đáng tiếc cực kỳ lớn trong gia đình, nhà trường và xã hội.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long: Sau khi nghe được những thông tin trên báo chí thì mình cảm thấy rất là tiếc cho bạn nhỏ đó và tiếc cho gia đình bạn đó. Vì lý ra, câu chuyện này không nên có kết thúc như vậy, không đáng để có cái kết như vậy.
Bởi việc mọi người đăng tải hình ảnh, clip trên các trang mạng và ngay cả trên báo chí thì không phải điều gì quá mới do vậy, hậu quả dẫn đến việc bạn nhỏ đó phải tự tử là vô cùng đáng tiếc.
Giả sử như đây là lần đầu tiên có một người bị tung clip lên trên mạng, clip đó có thể là về tình dục chẳng hạn thì mình còn cảm giác là sự việc còn có “logic”, nhưng đây chỉ đơn thuần là một nụ hôn đùa giỡn nhau của học sinh mà cuối cùng dẫn đến cảm giác nhiều nhất chính là đáng tiếc.
Tiếc vì những người họ đăng lên mạng xã hội đó đã không có những nhận thức đầy đủ, tiếc vì gia đình và nhà trường đã không có sự quan tâm kịp thời đến bạn nhỏ đó, tiếc vì cộng đồng mạng đã có những lời bình luận rất khiếm nhã, tiếc vì chính những người bạn của em học sinh lại không bảo vệ bạn ấy.
Giá như cô ấy có những người bạn có thể chia sẻ được nhiều thứ, giá như cô bé có người thầy, người cô có thể tìm đến được khi cô ấy gục ngã… thì có lẽ cô ấy đã không tìm đến tự tử.
PV: Thưa TS Lâm và chuyên gia Long, hành động đăng tải đoạn clip lên mạng xã hội cùng với đó là lời bình luận “khiếm nhã” khiến em học sinh “nghĩ quẩn” đi tự tử đây có phải là hành động khinh thường, “hạ nhục” em học sinh đó hay không?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Đây là một biểu hiện không văn hóa của giới trẻ chúng ta hiện nay trên mạng xã hội. Tôi nghĩ là chúng ta không thể làm ngơ để cho tình trạng ứng xử không văn hóa này tiếp tục diễn ra trên mạng xã hội được.
Hành động đó chỉ là hành động “vô ý thức” nó chỉ thỏa mãn được tính tò mò, cá nhân các em muốn khẳng định đẳng cấp bằng lời nói đó nhưng các bạn thanh niên đó lại không hiểu được rằng, chính lời nói đó đã làm một bạn nữ phải tự tử.
Tôi cho rằng chúng ta, về mặt xã hội phải làm rõ điều này hơn nữa, bởi mỗi người khi tham gia bình luận trên mạng xã hội phải có trách nhiệm, hiểu biết về sự việc đó một cách khách quan hơn.
Hiện nay, chúng ta đang có một tình trạng là những người tham gia bình luận chẳng biết gì về sự việc đó nhưng lại tham gia bình luận rất sôi nổi. Nhà mạng cũng là người phải có trách nhiệm, vì nếu không quản lý được thì phải dập sự việc đó đi.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long: Rất tiếc, tôi không được xem bài viết có đăng tải đoạn clip đó, cũng không đọc được những bình luận về cô bé trong đoạn clip đó, vì vậy mà tôi xin phép, không bình luận gì hơn.
Tuy nhiên, có một điều tôi chắc chắn là cô bé đã cảm thấy điều ấy, cho dù là những người trong cuộc họ có chủ ý làm điều ấy hay không. Đó mới là điều thực sự đáng suy ngẫm.
Trong cuộc sống này, đôi khi mình sẽ gặp những tình huống như vậy, người ta vẫn nói mà “Lời nói đọi máu” nhiều khi mình không chủ ý như vậy. Tôi cũng tin là những người có những bình luận khiếm nhã lại có chủ ý đẩy cô bé này đến cái chết như vậy đâu. Nhưng cuối cùng thì cô bé vẫn chọn cái chết.
Làm sao để trẻ an toàn khi clip “nhạy cảm” bị tung lên mạng xã hội
PV: Để xảy ra chuyện này, phải chăng một phần trách nhiệm thuộc về những người sử dụng mạng xã hội, nhà trường, xã hội và cả gia đình?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Bạn nữ trong trường hợp này là người mà chưa bao giờ nghĩ đến chuyện phải đối mặt với làn sóng dư luận lớn như vậy, dẫn đến cách xử lý cũng hết sức tiêu cực.
Chúng ta phải hiểu ở đây, tác động của mạng xã hội cực kỳ lớn, đối với những người ít có kinh nghiệm, ít có sự từng trải thì tác động lại lớn hơn gấp nhiều lần. Càng những em hiền lành, tốt bụng, ngoan ngoãn thì càng dễ bị tác động lớn.
Cả gia đình và nhà trường và xã hội phải đưa những câu chuyện thực tế ra để cho các em được trao đổi, có được bài học cho riêng mình để khi các em gặp tình huống tương tự có thể vượt qua được cú sốc đó.
Nếu chúng ta chỉ bao bọc các em, dạy các em những kiến thức hàn lâm mà không cho các em những tình huống thực tế để trao đổi, dạy cho các em cách ứng xử với cú sốc như thế nào thì sớm muộn gì các em cũng sẽ tìm đến những cách tiêu cực để xử lý các vấn đề.
Và một trong những vấn đề hiện nay, là chương trình dạy kỹ năng sống tại các trường học hiện nay chưa hoàn thành nhiệm vụ. Đôi khi chương trình đó được tổ chức nhưng chưa thực sự đạt được hiệu quả mong muốn.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long: Việc mà liên quan đến ý thức của người dùng mạng xã hội thì nó thuộc về các cơ quan quản lý, nhà trường, cộng đồng và phải mất rất nhiều năm chúng ta mới có thể giáo dục những ngươi dùng mạng xã hội một cái hành xử văn minh và thích hợp hơn.
Và tôi thì hoàn toàn không có niềm tin vào việc ấy, vì ngay cả những nước văn minh, tiên tiến bậc nhất trên thế giới như: Nhật, Mỹ, Anh, Pháp, Đức… thì vẫn có những bình luận khiếm nhã trên mạng xã hội như vậy, vẫn có “ném đá” trên mạng xã hội như vậy.
Giá như nhà trường, gia đình, và bạn bè quan tâm đến cô bé nhiều hơn. Phát hiện được những biểu hiện khác thường của bạn ấy như vậy, thì họ sẽ có những cách giúp đỡ cho bạn nhỏ đó. Nhưng tiếc là họ đã không làm được những việc như vậy. Tôi tin là giờ phút này, họ cũng đã rất hối hận về điều đó.
Nữa là chính bạn nhỏ này, mặc dù em chỉ là nạn nhân, nhưng để rút ra được bài học cho những người khác thì tôi thấy là, khi các bạn sử dụng mạng xã hội thì hãy nên đặt cho mình 1 câu hỏi: “Nếu ở tình huống như bạn nhỏ đó mình sẽ xử lý như thế nào?”, để khi gặp những sự việc ấy thì bản thân có thể vượt qua được cú sốc đó.
PV: Từ sự việc xảy ra trên, TS Lâm và chuyên gia Long có thể có lời khuyên như thế nào để dạy trẻ sử dụng mạng xã hội sao cho đúng cách để tránh những hậu quả đáng tiếc?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đặt ra 2 vấn đề là dạy kỹ năng sống và giá trị sống cho học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường để cho các em học sinh tiếp xúc được với kinh nghiệm sống thực tiễn và biết được giá trị bản thân, tự yêu thương bản thân mình, để các em có bản lĩnh tự bảo vệ chính mình.
Ví dụ như khi các em được dạy kỹ năng ra quyết định, các em được tính toán, tham khảo các ý kiến khác trước khi hành động gì mọi chuyện sẽ đi theo hướng khác. Trong câu chuyện này, nếu chúng ta có người tư vấn, có phòng tư vấn cho em ấy thì có lẽ kết quả đã đi theo hướng khác.
Tôi nghĩ, trong tình hình hiện nay, mạng xã hội phát triển “rầm rộ” thì nhà trường nên có hẳn bài giảng về những cách ứng phó như thế nào khi bị tung ảnh, clip, thông tin cá nhân trên mạng xã hội.
Rèn cho các em có một bản lĩnh sống, coi đó là một phần của cuộc sống để các em vượt qua được cú sốc.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long: Theo tôi thì khi các bạn bị lộ những hình ảnh, clip trên mạng xã hội thì hãy coi đó là một phần của cuộc sống. Vì những người thân thiết với bạn, yêu thương các bạn còn rất nhiều.
Nhiều khi chúng ta quên mất cuộc sống của chúng ta nằm trong quỹ đạo rất nhỏ, chúng ta chỉ là một phần của xã hội này thôi. Nếu chúng ta càng tập trung vào những mối quan hệ thân thiết và gần gũi với các bạn nhất thì càng tốt.
Đó là anh chị em trong gia đình, là bố mẹ, là ông bà, cô, dì, chú, bác, thầy cô, bạn bè cùng trường lớp.
Khi chúng ta có ý thức như vậy thì khi có chuyện gì xảy ra chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những người thân cận thì họ là những hạt nhân rất gần quỹ đạo của chúng ta, họ không bỏ rơi, cười nhạo chúng ta.
Đừng nhìn vào những châm biếm, những lời bình luận trên mạng xã hội bởi những người xa lạ, đừng đánh đổi cuộc sống của mình vì người kẻ châm biếm xa lạ ấy, vì cuộc sống của chúng ta rất đáng quý.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long được biết đến là một trong những chuyên gia truyền thông xã hội uy tín tại Việt Nam hiện nay với các góc nhìn đặc sắc và nhân văn về mọi mặt cuộc sống.
Ngoài vai trò tư vấn chiến lược truyền thông cho nhiều công ty, tập đoàn lớn và cố vấn xây dựng hình ảnh cho doanh nhân, người nổi tiếng, chuyên gia này còn tham gia giảng dạy và nói chuyện tại nhiều trường đại học và doanh nghiệp lớn.
Các sự kiện do chuyên gia Nguyễn Ngọc Long chia sẻ đã thu hút gần 20.000 người tham dự trên khắp Việt Nam.
TS.NGƯT Nguyễn Tùng Lâm, nguyên là Hiệu phó Trường cấp 3 Cao Bá Quát - Hà Nội; Chủ tịch Công đoàn ngành GD&ĐT Hà Nội. Hiện nay ông giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục học Hà Nội, Đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Trên 50 năm gắn bó với ngành giáo dục, ông đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả đối với sự nghiệp GD&ĐT của Thủ đô.
Đặc biệt, năm 1989 ông là người sáng lập Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, ngôi trường đã là điểm đến của trên 8.000 học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cá nhân yếu kém về học tập và rèn luyện đạo đức..
Năm 2013, trường được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen đơn vị đạt danh hiệu "Nhân tố thời đại Hồ Chí Minh". Năm 2014, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Đan Mạch đã đến thăm, tìm hiểu mô hình trường, hỗ trợ và hợp tác giáo dục...
Ngọc NgaBạn đang xem bài viết Nữ sinh tự tử vì lộ clip hôn bạn: Cần làm gì khi bị tung ảnh, clip nhạy cảm lên mạng? tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].