Dấu hiệu bị viêm da do kiến ba khoang
Theo Cục Y Tế dự phòng, trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn.
Kiến ba khoang không đốt hay cắn nhưng nếu chẳng may tiếp xúc với dịch cơ thể của chúng có thể gây rộp, phỏng da, viêm da. Nếu không điều trị đúng cách có thể làm vết thương nặng hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Theo Ths Nguyễn Thị Quỳnh Trang, Trung tâm Da liễu – Dị ứng, Bệnh viện TWQĐ 108, sau khi bị chất pederin tiếp xúc trực tiếp lên da, người bệnh sẽ thấy hơi ngứa rát, căng da, kèm theo đỏ một vùng da.
Sau 6 - 12 giờ tổn thương da đỏ cộm thành vệt, nề lên, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều, nặng hơn có thể hình thành mụn mủ, bọng mủ kèm theo loét, hoại tử da.
Một số có tổn thương đối xứng ở khoeo tay, bẹn (kissing lesion).
Trường hợp nặng, người bệnh có thể có sốt nhẹ, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương.
Tổn thương da thường hết sau 1 tuần, tuy nhiên sẽ để lại dát thẫm màu và sẽ mờ dần đi theo thời gian
Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang có thể bị nhầm với bệnh zona hoặc herpes.
Phân biệt viêm da do kiến ba khoang với bệnh zona
Rất nhiều người bệnh bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang bị chẩn đoán nhầm với zona.
Zona là bệnh lý do virus Varricella-zoster, bệnh đặc trưng bởi tình trạng những đám mụn nước nhỏ trên nền dát đỏ, ở một bên cơ thể, theo đường đi của dây thần kinh, đặc biệt bệnh thường đi kèm các triệu chứng đau rất dữ dội.
Phân biệt viêm da do kiến ba khoang với bệnh herpes
Một số trường hợp được chẩn đoán nhầm với bệnh herpes.
Herpes là bệnh do virus Herpes simplex gây nên, với tổn thương là mụn nước nhỏ tập trung thành đám, ở vùng niêm mạc môi, sinh dục…
Người bệnh thường có cảm giác ngứa, rát, châm chích… bệnh thường hay tái phát.
Điều trị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang
- Ngay sau khi tiếp xúc hay nghi ngờ tiếp xúc, cần rửa tổn thương với nhiều nước sạch. Nếu bị tiếp xúc vùng mắt cần rửa nhiều bằng nước muối sinh lý 0.9%.
- Trường hợp nhẹ: Bệnh có thể tự khỏi
- Thuốc bôi tại chỗ: hồ nước, kem bôi có chứa kháng sinh và corticoid.
- Thuốc toàn thân: trong trường hợp tổn thương lan rộng, gây phù nề nhiều, hay có triệu chứng toàn thân, cần bổ sung thuốc uống: kháng histamine, kháng sinh, corticoid…
- Người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc bôi và điều trị, mà cần được khám và điều trị bởi các bác sĩ có chuyên khoa. Nếu được điều trị đúng, bệnh thường khỏi sau 5 - 7 ngày.
Biện pháp phòng tránh kiến ba khoang
- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, phát quang cây cối, bụi rậm
- Nếu phát hiện khu vực sinh sống có kiến ba khoang, cần hạn chế mở cửa, hạn chế sử dụng nhiều bóng đèn điện trong trường hợp không cần thiết, có thể sử dụng lưới chống côn trùng.
- Trước khi ngủ cần quét nhà, mắc màn.
- Trước khi sử dụng quần áo, khăn mặt, chăn màn,… cần có thói quen kiểm tra kỹ, giũ sạch.
- Khi phát hiện kiến ba khoang cần bình tĩnh để thổi nhẹ hoặc hất chúng bay đi, tránh bắt giết, chà xát.
- Khi đã vô tình tiếp xúc hay chà xát nên rửa sạch vùng tiếp xúc bằng nhiều nước sạch hay nước muối sinh lý 0.9%.
Hoàng Nguyên (t/h)Bạn đang xem bài viết Nọc kiến ba khoang độc gấp 15 lần rắn hổ: Cách phòng tránh và điều trị hiệu quả, khỏi nhanh tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].