Hỗ trợ xét nghiệm cho 1,2 triệu người và các ca cách ly y tế
Ông Trần Chí Thành, Phó vụ trưởng Vụ Các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao cho biết, một trong những thành tựu lớn nhất của Việt Nam trong đảm bảo quyền con người giữa bối cảnh dịch COVID- 19 là đảm bảo quyền sống và sức khỏe cho người dân.
Từ cuối tháng 7 đến nay, Chính phủ đã hỗ trợ xét nghiệm đối với 1,2 triệu người thuộc các nhóm đối tượng cần theo dõi.
Đối với những trường hợp áp dụng các biện pháp cách ly y tế, gồm: ca bệnh nghi ngờ nhiễm, ca bệnh có thể nhiễm hoặc ca bệnh xác định nhiễm COVID19, đều được Nhà nước hỗ trợ chi phí cách ly tại các khu vực cách ly tập trung, các cơ sở y tế xuyên suốt quá trình khám, chữa bệnh.
Việt Nam đã huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị và Nhân dân nhằm triển khai thực hiện một loạt các biện pháp y tế công.
Trong đó, Chính phủ đặc biệt chú trọng triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm; triển khai các biện pháp khám và điều trị miễn phí...
Trong bối cảnh, ở nhiều quốc gia trên thế giới bệnh nhân phải tự chi trả mọi chi phí điều trị COVID-19, thì đây là một nỗ lực đáng ghi nhận của Chính phủ Việt Nam nhằm bảo đảm quyền được tiếp cận điều trị COVID-19 cho tất cả bệnh nhân.
Thành tựu trong chế tạo vắc-xin chống COVID-19
Hiện nay, Việt Nam đã gia nhập “cuộc đua” tìm kiếm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh COVID19. Việt Nam cũng trở thành 1 trong số 40 nước đầu tiên thử nghiệm vắc-xin trên người.
Sáng 17/12 vừa qua, các tình nguyện viên đầu tiên được tiêm thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 Nano Covax nhóm liều 25mcg.
Giai đoạn 1 sẽ có 60 người tình nguyện từ 18-50 tuổi tham gia và được phân ngẫu nhiên vào 3 nhóm, bao gồm: nhóm 1a (20 người dùng mức liều 25mcg), nhóm 1b (20 người dùng mức liều 50mcg), nhóm 1c (20 người dùng mức liều 75mcg).
Vắc xin COVID-19 do Việt Nam (công ty NANOGEN) sản xuất sẽ trải qua 3 giai đoạn tiêm thử nghiệm lâm sàng trên người. Giai đoạn 1 tiêm cho khoảng 60 người, giai đoạn 2 có khoảng 400-600 người tham gia. Giai đoạn 3, phải cần ít nhất 3.000 người, có thể mở rộng diện tham gia ra tới 30.000 người, nghiên cứu đa trung tâm, đa vùng.
Tất cả các tình nguyện viên ở giai đoạn 1 sẽ được tiêm vào bắp 2 mũi vắc xin, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm 28 ngày. Thời gian nghiên cứu đối với mỗi người tham gia là khoảng 56 ngày và thời gian theo dõi là đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên.
Vắc xin Nano covax c là vắc xin tái tổ hợp protein S, là đoạn gai của virus SARS-CoV-2, với 4 loại liều lượng 25 mcg, 50mcg, 75mcg, 100mcg.Qua thử nghiệm trên chuột nhắt trắng, chuột hamster, khỉ và thỏ, kết quả cho thấy vắc xin đảm bảo về an toàn.
Điểm mạnh của vắc xin Việt Nam là bảo quản được trong nhiệt độ tủ lạnh bình thường (2-8 độ), trong khi vắc xin của một số hãng đang sản xuất phải bảo quản đến nhiệt độ âm 75 độ, khó khăn trong việc vận chuyển.
Theo GS Đỗ Quyết- Giám đốc Học viện Quân y, khi bắt đầu thực hiện thử nghiệm lâm sàng, Việt Nam là một trong 40 quốc gia đã thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 trên người.
Trên thế giới, hiện có 56 loại vắc xin COVID-19 đang thử nghiệm lâm sàng. Trong đó, có những loại vắc xin đã kết thúc thử nghiệm giai đoạn 3 như Pfizer, Moderna, Astrazeneca và loại vắc xin của Nga...
Nỗ lực tuyệt vời trong Giải cứu công dân
Ngay từ khi xảy ra dịch, Bộ ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thiết lập đường dây nóng 24/7, kịp thời tiếp nhận thông tin để bảo hộ công dân.
Đồng thời, các cơ quan đại diện của Việt Nam của nước ngoài, liên hệ thăm hỏi động viên các công dân đang sinh sống khu vực có dịch, chưa về được Việt Nam nghiêm túc thực hiện các khuyến cáo của chính quyền sở tại.
Việt Nam cũng đã đề nghị, các cơ quan chức năng nước sở tại cung cấp thông tin cho phía Việt Nam các trường hợp công dân bị nhiễm, hoặc nghi nhiễm COVID19 có biện pháp đảm bảo y tế, an ninh, an toàn và hỗ trợ cho công dân Việt Nam.
Không chỉ đảm bảo quyền được sống, thời gian qua chính phủ Việt Nam cũng nỗ lực thực hiện các quyền tự do của người dân cũng như bảo hộ công dân.
Ông Lương Thanh Quảng Trợ lý Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết, song song với việc “giãn cách xã hội”, Việt Nam tích cực công tác giải cứu công dân.
Thời gian qua, Việt Nam đã liên tục phối hợp trao đổi với các nước nhằm thực hiện nhiều chuyến bay giải cứu người dân sinh sống tại nước ngoài.
Đến nay, Việt Nam đã tổ chức thành công được 240 chuyến bay, đưa được gần 66.000 công dân về nước, cách ly tại các cơ sở.
Mở màn chiến dịch này phải kể đến chuyến bay kết hợp giải cứu đầu tiên ngày 10/2/2020, Việt Nam đưa được 30 công dân Việt Nam về nước từ Vũ Hán, nơi được cho là địa điểm phát hiện dịch COVID19 đầu tiên trên thế giới.
Số lượng người về nước trên là nhóm công dân được ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ gồm, lao động hết hạn hợp đồng, mất việc không còn thu nhập (từ 2-3 tháng trở lên) mà không được nước sở tại hỗ trợ; học sinh dưới 18 tuổi; sinh viên đã hoàn thành khóa học gặp khó khăn về nơi ở, doanh nhân, trí thức là người Việt Nam xuất cảnh ngắn hạn bị mắc kẹt do không có nơi ở, không còn khả năng tài chính, người già yếu có bệnh lý.
Cùng với công tác giải cứu đưa công dân về nước, Việt Nam tiến hành các biện pháp khác nhằm bảo hộ công dân.
Với nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực Việt Nam đã nỗ lực đảm bảo quyền con người một cách đầy đủ hiệu quả nhất, trong điều kiện dịch bệnh vô cùng khó khăn. Những thành tựu này thêm một lần nữa khẳng định, nỗ lực đảm bảo cam kết không để ai bị bỏ lại phía sau của Nhà nước Việt Nam.
Tuấn AnhBạn đang xem bài viết Nỗ lực đảm bảo quyền con người của Việt Nam là điểm sáng giữa 'tâm dịch' COVID-19 tại chuyên mục Giới & Phát triển của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].