Không thể phủ nhận sự đóng góp của các nhà khoa học và nghiên cứu của họ đến những tiến bộ nhân loại. Họ không ngại thí nghiệm, mắc lỗi, mạo hiểm, thất bại để đạt những bước tiến lớn lao trong khoa học.
Tuy nhiên nghiên cứu về bản chất của con người lại là một câu chuyện khác phức tạp hơn và khó khăn hơn. Trong nhiều thí nghiệm các nhà khoa học đã phải thí nghiệm trên cả trẻ em, và điều này gây nên vô vản tranh cãi. Chỉ một sơ suất nhỏ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cả đời đứa trẻ.
Gia Đình Mới tổng hợp những thí nghiệm nổi tiếng trong lịch sử có sự tham gia của trẻ em và từng gây náo động ngành khoa học nói riêng và thế giới nói chung.
Có nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã đi quá xa vì khát vọng nghiên cứu, tìm hiểu cái mới. Qua đó, chúng ta có thể thấy mặt tối đằng sau những thành công khoa học rực rỡ của nhân loại.
1. Cưỡng ép chuyển giới: Từ cậu bé Bruce thành cô bé Brenda
Bruce Reimer sinh ra ở Canada vào năm 1965 cùng người anh em sinh đôi của mình. Được 8 tháng, cậu bé trải qua phẫu thuật cắt bao quy đầu, do lỗi kỹ thuật và một phần bộ phận sinh dục nam của cậu bị bỏng. Nhà tâm lý học John Money đã cho bố mẹ cậu bé lời khuyên, đó là làm phẫu thuật chuyển giới cho cậu bé và nuôi cậu bé trai như một bé gái.
Cha mẹ Bruce cho rằng đó là ý hay. Hơn nữa, đó cũng là cơ hội tốt cho bác sĩ Money chứng minh giả thuyết của mình rằng bản dạng giới (hay nhận dạng giới tính, nhận thực giới tính) của một người là do nuôi dưỡng, giáo dục chứ không phải bản năng.
Nhưng Bruce không hề muốn trở thành Brenda, cậu không muốn mặc váy hay chơi búp bê. Cậu muốn được như là con trai như khi được sinh ra, như người anh em trai sinh đôi của mình.
John Money lại thuyết phục cha mẹ cậu rằng đây chỉ là "giai đoạn khó khăn" và sẽ sớm qua.
Tuy nhiên mỗi năm trôi qua, vấn đề ngày một nghiêm trọng hơn. Sau khi biết được sự thật về cuộc phẫu thuật chuyển giới cưỡng ép kia, Bruce quyết định làm phẫu thuật để trở lại là một chàng trai dưới cái tên David. Sau đó, David đã kết hôn, nhưng đến năm 38 tuổi thì tự sát.
Nghiên cứu chứng minh điều gì?
Những thí nghiệm như vậy làm tổn thương nghiêm trọng tinh thần của một đứa trẻ. Ngày nay, đã có nhiều nghiên cứu tiến hành về bản dạng giới giúp con người hiểu thêm về nó.
Quan điểm không xác định giới tính của đứa trẻ trước khi nó tự có nhận thức để tự đưa ra lựa chọn hay xuất hiện giới tính thứ ba - đã gây nhiều tranh cãi và thảo luận.
Tuy nhiên, có một điều chúng ta có thể chắc chắn đó là - thực hiện những thí nghiệm như vậy trên trẻ em là một tội ác man rợ.
2. Phản xạ có điều kiện và thí nghiệm trên trẻ em của Pavlov
Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe hay biết đến nhà khoa học, tâm lý học người Nga Ivan Pavlov và thí nghiệm về "phản xạ có điều kiện" tiết dịch vị đối với thức ăn mà ông thực hiện trên loài chó. Thậm chí người ta còn xây dựng tượng đài kỷ niệm chú chó của Pavlov ở St Petersburg, Nga.
Nhưng có một điều có thể bạn chưa biết, đó là bên cạnh bức tượng chú chó bằng đồng, đáng lý ra người ta phải xây dựng thêm bức tượng đứa trẻ bằng đồng.
Bởi vì, Pavlov đã không chỉ tiến hành thí nghiệm trên những chú chó, mà còn nghiên cứu trên cả những đứa trẻ vô gia cư tuổi từ 6 đến 15. Được cho chocolate, nam việt quất và những món ngon khác mà trẻ mồ côi chỉ có thể mơ ước, những đứa bé dễ dàng bị dụ dỗ và đồng ý tham gia thí nghiệm.
Những thí nghiệm được mô tả rõ trong cuốn sách của nhà sinh lý học và bác sĩ nhi Nikolai Krasnogorsky (học trò của Pavlov). Thí nghiệm tiến hành trên các cậu bé không khác là bao so với thí nghiệm được tiến hành trên chó.
Thí nghiệm trên chó của Pavlov: Phương pháp nghiên cứu phản xạ có điều kiện
Các phản xạ có điều kiện bài tiết nước bọt được I.P.Pavlov và cộng sự nghiên cứu đầu tiên trên chó vào những năm đầu của thế kỷ XX. Phương pháp này được coi là phương pháp kinh điển, có thể sử dụng để nghiên cứu hoạt động thần kinh cấp cao trên nhiều đối tượng nghiên cứu khác nhau.
Sở dĩ như vậy là vì chó là loài động vật khoẻ mạnh, dẻo dai, đã được thuần hoá lâu đời, là người bạn đồng hành của con người từ thời tiền sử, biết nghe người. Chó cũng có bán cầu đại não phát triển. Các phản xạ bài tiết nước bọt dễ thành lập, không gây tổn hại đến động vật. Lượng nước bọt tiết ra dễ thu nhận, cường độ của phản xạ cũng dễ dàng xác định chính xác bằng giọt hoặc bằng độ chia của ống thu nước bọt.
Để nghiên cứu phản xạ có điều kiện theo phương pháp bài tiết nước bọt, con vật cần được chuẩn bị trước để có thể quan sát được quá trình tiết nước bọt. Muốn vậy, cần phải phẩu thuật tách ống dẫn nước bọt cùng với mảnh màng nhầy xung quanh miệng ống rồi đưa ra ngoài xoang miệng, khâu vào da ở vị trí thích hợp.
Thí nghiệm thành lập phản xạ bài tiết nước bọt có điều kiện tiến hành khi vết thương đã lành, ở phòng cách âm có trang thiết bị cần thiết để cố định, cho ăn, thu ghi kết quả, tách biệt với người làm thí nghiệm.
Trong phòng thí nghiệm còn bố trí các dụng cụ để gây kích thích có điều kiện như chuông, máy gõ nhịp, máy gãi, bóng điện... Kích thích không điều kiện thường được dùng là thức ăn (bột thịt, lạc khô, bột thịt trộn với bột lạc) hoặc dung dịch axit (dung dịch axit HCl 0,1-0,5%). Người làm thí nghiệm thông qua công tắc ở bàn điều khiển đặt ở ngoài phòng cách âm có thể điều khiển các kích thích có điều kiện và không điều kiện.Trước khi thành lập phản xạ có điều kiện cần tập cho cho con chó làm quen với phòng thí nghiệm. Quá trình thành lập phản xạ có điều kiện được được tiến hành như sau:
Cố định chó trên giá thí nghiệm, gắn phễu thu nước bọt vào da chó nơi có lỗ nước bọt chảy ra và nối thông phễu với hệ thống ống dẫn nước bọt đến thước đo. Đóng cửa phòng cách âm. Cho kích thích có điều kiện (ánh sáng) tác dụng và sau đó khoảng 2-5 giây cho kích thích không điều kiện (thức ăn) tác dụng. Thức ăn là kích thích thích ứng gây phản xạ tiết nước bọt không điều kiện.
Việc cho chó ăn sau khi bật ánh sáng được I.P.Pavlov gọi là sự củng cố tín hiệu có điều kiện bằng kích thích không điều kiện. Sau khoảng 5-10 lần phối hợp bật ánh sáng và cho chó ăn, mỗi lần cách nhau 5 phút, ánh sáng trước đó không có liên quan gì với phản xạ tiết nước bọt, bắt đầu có tác dụng gây tiết nước bọt. Sự xuất hiện phản xạ tiết nước bọt khi bật ánh sáng lên là biểu hiện của sự hình thành phản xạ tiết nước bọt có điều kiện. Như vậy, ánh sáng đã trở thành tác nhân gây tiết nước bọt giống như tác dụng của thức ăn.
(Theo Blog Sinh học)
3. Thí nghiệm "Búp bê Bobo" hay là cách trẻ em bắt chước hành vi của người lớn
Giữa thế kỷ XX, nhà tâm lý học Albert Bandura quyết định tìm hiểu xem trẻ có thể bắt chước hành vi của người lớn đến mức nào.
Ông đặt một con búp bê hơi lớn được đặt tên là Bobo cùng một số video về chúng. Trong đó, có video người lớn ôm và chơi cùng búp bê. Một cái khác là cảnh người lớn mắng chửi, đẩy và đánh búp bê bằng búa cao su.
Sau đó, ông chia trẻ ra làm ba nhóm. Nhóm 1, ông cho chúng xem video không có cảnh bạo lực. Nhóm 2 được cho xem video có cảnh bạo lực. Nhóm 3 thì không xem gì cả.
Lần lượt các nhóm được vào căn phòng có đặt con búp bê Bobo. Búa và súng đồ chơi cũng được đặt trong căn phòng đó.
Kết quả, những đứa trẻ đã xem video bạo lực bắt đầu lao vào bắt nạt con búp bê không ngần ngại. Chúng mắng chửi, đá, đánh bằng búa và đe dọa búp bê bằng khẩu súng. Hai nhóm còn lại không hề có chút biểu hiện bạo lực nào.
Nghiên cứu chứng minh điều gì?
Nghiên cứu cho thấy trẻ bắt chước hành vi của người lớn và đôi khi bắt chước một cách không suy nghĩ. Đó là lý do vì sao trẻ nói tục, chửi bậy, đánh bạn bè, nói năng thô lỗ với ông bà,... Thưa các phụ huynh, các vị nghĩ, chúng đang bắt chước ai?
4. Thí nghiệm cho con ruột làm anh em với... tinh tinh
Những năm 1930, có một giả thuyết điên rồ rằng tinh tinh không nói được và không nhận thức hành vi đạo đức tốt xấu là vì chúng không được nuôi dạy như những đứa trẻ loài người.
Để kiểm chứng giả thuyết này, nhà tâm lý học W.N. Kellogg đã quyết định làm một thí nghiệm. Khi con trai Donald ra đời, gia đình đã nhận nuôi thêm một con tinh tinh cái 7 tháng tuổi đặt tên là Gua, được nuôi dạy cùng với con trai ruột của họ như hai anh em.
Nhưng thí nghiệm đã chuyển hướng xấu. Cho dù Gua có học được cách cầm thìa bằng tay và hiểu một chút ngôn ngữ của con người, nhưng con tinh tinh cái vẫn không có nhiều tiến bộ trong quá trình phát triển. Ngược lại, cậu bé Donald lại bị ảnh hưởng và bắt chước rất nhiều điều theo "em gái" của mình. Cậu bé nhảy nhót, rít, cắn như tinh tinh và lên một tuổi rưỡi vẫn chỉ biết nói 3 từ. Do đó thí nghiệm đã phải cấp tốc dừng lại.
Nghiên cứu chứng minh điều gì?
Một đứa bé có thể bắt chước hành vi của động vật, và những câu chuyện về các cậu bé rừng xanh giống như Tarzan hay Mowgli đã xác nhận điều đó. Mặt khác, nỗ lực dạy động vật được như con người đã thất bại cho dù đó là loại có họ hàng gần nhất với loài người.
Đọc tiếp: "Những thí nghiệm khoa học phi nhân đạo trên trẻ em khiến thế giới phẫn nộ (Phần 2)"
(Theo Bright Side)
Trang ĐặngBạn đang xem bài viết Những thí nghiệm khoa học phi nhân đạo trên trẻ em khiến thế giới phẫn nộ tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].