PGS.TS.BS Trần Đình Toán, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng cho biết, các bệnh mạn tính không lây có liên quan mật thiết tới chế độ ăn uống. Rất nhiều người Việt đang mắc những sai lầm trong ăn uống dẫn tới số người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, bệnh gout, mỡ máu… ngày càng gia tăng.
Theo bác sĩ Toán, một số sai lầm mà nhiều người Việt đang mắc phải như:
Ăn quá mặn: Nhiều người Việt đang ăn quá mặn, trong khi chế độ ăn mặn có liên quan tới bệnh tăng huyết áp. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo không nên ăn quá 5gram muối một ngày, nhất là đối với người lớn tuổi, người bị bệnh tim mạch, bệnh thận.
Người Việt bình quân ăn khoảng 9-10gram muối/ ngày, có những vùng miền giáp biển, làm muối người dân có thể ăn trên 10 gram muối/ ngày.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra rằng, ở vùng ăn nhiều muối tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn so với những vùng ăn ít muối.
Viện dinh dưỡng Quốc gia nước ta đã có 1 nghiên cứu hẹp về ăn muối tại miền Trung, kết quả số lượng người mắc tăng huyết ở đây cao hơn so với vùng khác.
Theo số liệu nghiên cứu tại Việt Nam người tăng huyết áp tính từ độ tuổi 15 tuổi trở lên thì cứ 3 người xấp xỉ có 1 người tăng huyết áp. Ở nhóm người trung tuổi trở lên thì cứ 2 người có 1 người có vấn đề về huyết áp.
Tăng huyết áp nếu không được điều trị sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm như bị tai biến mạch máu não do huyết áp cao, liệt nửa người sau đột quỵ, thậm chí có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Ăn quá nhiều chất bột đường: Người Việt đang có thói quen ăn quá nhiều chất bột đường (cơm) và gây ra tình trạng thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường…
Người Việt thường gọi bữa ăn là ăn cơm "ăn cơm trưa, ăn cơm tối...". Điều này cho thấy trong bữa ăn người Việt ăn cơm gạo là chính, dù trong bữa cơm vẫn có rau, thịt, cá, hoa quả... nhưng cơm vẫn chiếm tỷ lệ nhiều nhất.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người dân nên ăn ít chất bột đường (cơm) chỉ nên vào khoảng 50 - 55% năng lượng khẩu phần và ít hơn. Đối với người thừa cân, béo phì, đái tháo đường sẽ được khuyến cáo ăn ít hơn.
Hạn chế ăn chất bột đường không có nghĩa ăn càng ít càng tốt, thậm chí kiêng tuyệt đối, bởi ăn như vậy sẽ làm mất cân đối tỷ lệ các chất dinh dưỡng trong khẩu phần.
Người bình thường phải ăn khoảng 50% chất đường bột cho cơ thể để có đủ năng lượng, hơn nữa chất bột đường còn tham gia vào tạo dựng các tế bào trong cơ thể.
Thức ăn nhanh: Sự phát triển của công nghiệp dẫn đến đồ ăn công nghiệp, đồ ăn nhanh cũng nhiều lên. Con người dễ dàng mua và sử dụng đồ ăn nhanh hơn và đây cũng là nguy cơ gia tăng các bệnh chuyển hóa.
Bên cạnh đó, đồ ăn nhanh còn chứa nhiều chất bảo quản, rất giàu năng lượng nên tích lũy mỡ nhanh gây ra tình trạng thừa cân béo phì và kéo theo hệ lụy là mắc nhiều bệnh mạn tính khác.
Ngoài chế độ ăn mặn, nhiều chất bột đường, hay ăn thức ăn nhanh, người Việt hiện nay còn ít vận động, ăn nhiều thức ăn dầu mỡ, thức ăn giàu đạm, bánh kẹo, bia rượu… làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính.