Không chỉ là một doanh nhân thành đạt, Khải Silk còn nổi tiếng với những triết lý về kinh doanh và lối sống thường chia sẻ trên mạng xã hội của mình.
Một trong những bài viết nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng là tâm sự của Khải Silk về buổi đầu lập nghiệp đầy gian nan, vất vả và con đường bắt đầu đến với việc kinh doanh lụa tơ tằm.
'Lúc đó nhà còn nghèo lắm. Thế rồi một lần vô tình nghe thấy người bạn nước ngòai làm việc và sống tại Hà Nội hỏi chuyện và muốn tìm mua lụa tơ tằm mang về nước làm quà để tặng người thân vì những năm 80 ở Hà Nội thì thiệt khó có thể tìm được những món quà có ý nghĩa.
Sau câu chuyện với người bạn nước ngoài đó một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu tại sao mình không đi tìm những nơi sản xuất lụa tơ tằm về để mở cửa hàng bán cho những người nước ngoài sống và làm việc và khách du lịch đến Việt Nam' - Doanh nhân Khải Silk chia sẻ.
Không chỉ là một 'thần tượng' của những bạn trẻ đang khởi nghiệp nhờ tài kinh doanh, Khải Silk còn là một doanh nhân hướng đến những giá trị tử tế, chân thật.
Một trong những điều mà ông tự hào nhất, không phải là cơ ngơi giàu có, mà là việc đã vực dậy làng dệt lụa ở Việt Nam, đưa giá trị của hàng tiêu dùng Việt Nam về đúng vị trí của nó - điều này thường được doanh nhân tài ba chia sẻ trên trang mạng xã hội của mình.
'Thôi cứ làm ăn chân chính theo cái nghề của Cha ông để rồi phát triển mạnh lên xuất khẩu ra nước ngoài cũng giàu chán' - ông chia sẻ.
Doanh nhân Khải Silk cũng là một người có nhiều trăn trở về môi trường khởi nghiệp của Việt Nam - làm thế nào để đây có thể trở thành một môi trường giàu khả năng phát triển cho doanh nhân thỏa sức 'vẫy vùng' mà vẫn giữ được sự trong sạch của nó?
Trong những triết lý về đạo đức kinh doanh mà Khải Silk thường chia sẻ, ông hướng đến một giá trị cốt lõi - đó là cái Tâm trong kinh doanh, người làm doanh nghiệp dù phát triển đến đâu cũng cần giữ được nhân cách để không xa rời ý nghĩa, lý tưởng ban đầu.
Khải Silk cũng thường lên án những hành động kinh doanh 'bẩn' như 'bán thuốc ung thư giả', hay ông từng cho rằng việc taxi truyền thống cạnh tranh với Uber, Grab bằng logo dán trên xe là cạnh tranh không công bằng.
Đồng thời, ông luôn hoan nghênh những người kinh doanh không gian lận, để người tiêu dùng 'không còn phải chịu nhiều những đau khổ về những thứ chướng tai gai con mắt nữa'.
Gần đây, khi thương hiệu Khaisilk vướng phải lùm xùm Khăn lụa Khải Silk tiền triệu ở Việt Nam, mẫu tương tự Trung Quốc rao vài chục đến vài trăm nghìn, Khải Silk dường như đã trải qua khủng hoảng khi thương hiệu đầy uy tín gây dựng hàng chục năm đã sứt mẻ trong một đêm.
Mặc lời lên án hay bênh vực, có lẽ Khải Silk sẽ vẫn luôn trung thành với những triết lý mình chia sẻ, đó là sự quyết đoán và mạnh mẽ vươn lên trong sự nghiệp kinh doanh.
Hoàng Ngọc VũBạn đang xem bài viết Những phát ngôn bất hủ của Khải Silk về đạo đức kinh doanh tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].