Theo khuyến cáo của bác sĩ BV Nhi đồng 1, trong những ngày hè nóng bức, trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi có hệ miễn dịch kém sẽ rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa như tiêu chảy cấp, sốt virus, hay rôm sảy…
Do đó, việc chăm sóc thích hợp sẽ giúp trẻ thích nghi với thời tiết tốt hơn, ít bị bệnh hơn và phát triển thể chất tốt hơn.
Dưới đây là một số lưu ý của bác sĩ BV Nhi đồng 1 dành cho các bậc phụ huynh khi chăm sóc trẻ trong mùa nắng nóng.
Những điều nên làm khi chăm sóc trẻ mùa nắng nóng
- Thường xuyên giữ cho da trẻ được thông thoáng: Lau mồ hôi thường xuyên cho bé và thay ngay đồ khô nếu đồ bé đang mặc bị thấm ướt. Cha mẹ cũng nên lựa chọn quần áo chất liệu vải mềm, thoáng mát và thấm hút tốt cho bé mặc mùa nóng.
- Làm mát môi trường hợp lý: Kiểm tra xem nơi bé đang chơi có có quá nóng, hoặc bí gió, kém thông thoáng không. Nếu sử dụng máy điều hoà nhiệt độ, nên để nhiệt độ trong phòng khoảng 28 độ C. Khi thay đổi môi trường (từ phòng lạnh ra ngoài hoặc ngược lại) nên mở rộng cửa và đợi 2 - 3 phút sau mới ra khỏi phòng để cơ thể có thời gian thích nghi với sự chuyển đổi nhiệt độ. Đội mũ, nón cho trẻ khi ra nắng.
- Tắm thường xuyên mỗi ngày 1 lần.
- Cho bé uống nhiều nước để bù lại lượng nước mất qua mồ hôi. Nhu cầu nước thiết yếu cho trẻ khoảng 50 – 60ml cho mỗi mỗi kg cân nặng trong 24 giờ (theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới).
- Duy trì chế độ ăn bình thường: Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Nắng nóng thường làm bé mệt mỏi, khó chịu, cộng với việc uống nhiều nước do nóng nực nên có tình trạng biếng ăn, ăn kém; ngoài ra đi du lịch hè có thể làm thay đổi giờ giấc sinh hoạt, ăn uống bình thường của bé.
Do đó cha mẹ cần giữ đúng nhịp sinh hoạt hàng ngày. Tăng cường các loại trái cây tươi, rau xanh trong khẩu phần ăn, thức ăn lỏng như canh bổ dưỡng, sữa... giúp trẻ dễ tiêu hoá, bù nước và đảm bảo cung cấp đủ chất bổ dưỡng.
Đặc biệt cần lưu ý cho trẻ ăn chín, uống sôi, không sử dụng thức ăn ôi thiu, không ăn rau sống hay quả xanh, dùng nước sạch để sinh hoạt, vệ sinh sạch sẽ khi pha sữa hay chế biến thực phẩm cho trẻ.
- Tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt cho trẻ: Rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi chơi đùa sẽ giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh.
- Mang khẩu trang mỗi khi ra đường
- Giữ môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng nhằm hạn chế sự lây nhiễm các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm như: tham gia phong trào diệt lăng quăng (bọ gậy), phát quang môi trường để loại bỏ những nơi nước đọng, ngăn chặn sự phát triển của muỗi vằn trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết, tạo thói quen ngủ màn…
Những điều không nên làm khi chăm sóc trẻ mùa nắng nóng
- Cho bé chơi ở lâu ngoài nắng, đặc biệt thời điểm nắng gắt (khoảng 12g trưa) vì có thể bị sốc nhiệt
- Cho bé tới chỗ tập trung đông người
- Không để máy điều hòa ở nhiệt độ quá lạnh hoặc quạt gió quá mạnh thẳng vào người trong khi nhiệt độ bên ngoài quá nóng
- Tắm quá nhiều lần trong ngày, tắm quá lâu ( lưu ý khi cho bé đi chơi biển, hồ bơi)
- Mặc quần áo ngay sau khi tắm, lúc da chưa khô hẳn (sẽ dễ gây hăm da, nhất là các vùng nếp gấp như cổ, bẹn, khuỷu, nách... )
- Thoa phấn rôm khi da còn ướt hoặc khi bé đổ nhiều mồ hôi (gây bít tắc các lỗ chân lông cản trở tiết mồ hôi)
- Cho bé uống các loại nước ngọt có ga, ăn những thức ăn vặt không có giá trị dinh dưỡng
An AnBạn đang xem bài viết Những điều nên làm khi chăm sóc trẻ mùa nắng nóng tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].