Nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp trên ở trẻ
Theo điều dưỡng Dương Thị Thúy, BV Nhi đồng 2, viêm đường hô hấp trên là tình trạng viêm nhiễm ở mũi, hầu, họng, xoang, thanh quản. Đây là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên rất dễ bệnh, dễ tái phát.
Viêm đường hô hấp trên ở trẻ nhỏ do nhiều nguyên nhân gây ra. Và thường là do virus như cúm, virus hợp bào hô hấp... hoặc vi khuẩn như Hib, phế cầu... một số yếu tố nguy cơ dễ bị bệnh như trẻ nhỏ, sức đề kháng kém, môi trường sống ẩm thấp, kém vệ sinh...
Khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên thường gặp phải một số triệu chứng như: Sốt, ho, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau cổ họng, ngứa, đau mắt, chảy nước mắt, viêm kết mạc, mệt mỏi, chán ăn…
Trẻ bị nhiễm bệnh đường hô hấp trên nếu không được điều trị kịp thời, chăm sóc đúng cách sẽ rất dễ dẫn tới viêm đường hô hấp dưới (viêm phế quản, viêm phổi) với những triệu chứng như: khó thở, thở nhanh, thở rít... gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ.
Cách chăm sóc trẻ bị viêm đường hô hấp trên
Hầu hết các trường hợp viêm đường hô hấp trên mức độ nhẹ đều được bác sĩ chỉ định cho chăm sóc, theo dõi và điều trị tại nhà.
Khi chăm sóc trẻ bị viêm đường hô hấp trên, điều dưỡng Thúy lưu ý cha mẹ những điều sau:
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và uống nhiều nước.
- Giữ ấm, vệ sinh thân thể và đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát.
- Nếu trẻ bị sốt, nên cho trẻ nằm trong phòng mát, thường xuyên lau mát ở các vùng trán, nách, bẹn bằng nước ấm. Dùng thuốc hạ sốt nếu trẻ sốt cao trên 38 độ C và gặp bác sĩ ngay nếu sốt không hạ.
- Trong trường hợp trẻ bị nghẹt mũi, phụ huynh dùng dung dịch nước muối sinh lý dành nhỏ mũi để làm sạch. Lấy dịch mũi ra bằng dụng cụ hút mũi (không dùng miệng để hút mũi vì miệng người lớn có nhiều vi khuẩn gây hại), sau đó dùng tăm bông sạch làm khô mũi.
- Nên đặt bé nằm cao đầu hoặc bế bé ở tư thế đứng song song với cơ thể mẹ.
- Nếu trẻ ho nhiều, phụ huynh cũng có thể sử dụng một số thuốc ho thảo dược an toàn hoặc theo toa của bác sĩ.
Khi nào cần cho trẻ đi viện?
Khi trẻ có những triệu chứng dưới đây, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay:
- Bé không ăn uống được hoặc bỏ bú.
- Trẻ khó thở, thở nhanh, thở co lõm lồng ngực… đây là biểu hiện của bệnh viêm phổi, cũng là biến chứng nguy hiểm của viêm đường hô hấp trên.
- Trẻ sốt cao từ 2 ngày trở lên.
- Tiêm vắc xin để ngừa một số bệnh viêm hô hấp trên. Cho đến nay, tiêm vắc-xin vẫn là phương pháp đơn giản, hiệu quả và kinh tế nhất để phòng các bệnh viêm đường hô hấp trên như: vắc-xin phế cầu, vắc-xin cúm...
An AnBạn đang xem bài viết Cách chăm sóc trẻ bị viêm đường hô hấp trên để trẻ sớm khỏi bệnh tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].