Báo Điện tử Gia đình Mới

2 thái độ cha mẹ nên tránh để không tạo thêm áp lực cho trẻ trong mùa thi

Có rất nhiều lý do khiến nhiều học sinh bị áp lực, căng thẳng trong mùa thi cử trong đó có thái độ của chính phụ huynh.

Trẻ học trường chuyên, trẻ học khá giỏi dễ bị stress hơn trẻ học bình thường

Thực tế thăm khám sức khỏe cho nhiều học sinh, sinh viên, TS.BS Trần Thị Hà An – Phó Viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai nhận thấy, áp lực học tập và thi cử khiến học sinh căng thẳng và bị stress ngày càng nhiều hơn.

Đặc biệt là thời điểm các em phải "chạy" nước rút để tiến dần đến các kỳ thi quan trọng. Điều đáng lưu ý là những năm gần đây độ tuổi bị stress đã sớm hơn, nhiều trẻ mới đang học cấp 2 đã mắc stress và các bệnh lý liên quan như: Rối loạn cảm xúc, hành vi, đau hoặc viêm loét dạ dày…

Theo bác sĩ An, áp lực, căng thẳng mang tính cá thể, đối với người này có thể là căng thẳng nhưng với người khác lại không phải.

  Trẻ học trường chuyên, trẻ học khá giỏi dễ bị stress hơn trẻ học bình thường. Ảnh minh họa

Trẻ học trường chuyên, trẻ học khá giỏi dễ bị stress hơn trẻ học bình thường. Ảnh minh họa

“Qua thăm khám cho trẻ, chúng tôi nhận thấy trẻ gặp stress đa phần là trẻ học trường chuyên, lớp chọn, trẻ học khá, giỏi. Bởi những trẻ này thường hay đặt nặng vấn đề học tập, coi việc học tập là rất quan trọng trong cuộc sống. Bên cạnh đó, các em cũng được bố mẹ, thầy cô kỳ vọng rất lớn nên bị căng thẳng từ kết quả học tập hơn so với các bạn khác” – Bác sĩ Hà An nói.

Để phát hiện sớm tình trạng stress của con, vị chuyên gia này khuyên, cha mẹ là người gần gũi với con nhất, nếu như thấy con có những biểu hiện bất thường như mệt mỏi, cáu gắt, buồn ngủ, kém tập trung, buồn phiền…, dù đã tâm sự, trò chuyện cùng con, cùng con tìm cách giải quyết trong khoảng 7 – 10 ngày mà không thấy chuyển biến thì cha mẹ nên đưa con đi gặp bác sĩ hoặc các nhà tâm lý để được đưa ra những lời tư vấn chính xác nhất. Việc nhận biết các dấu hiệu stress vào mùa thi là vô cùng quan trọng, để từ đó cha mẹ gần gũi, đồng hành cùng trẻ tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Những điều cha mẹ nên tránh để không tạo thêm áp lực cho trẻ

Căng thẳng, áp lực trong mùa thi không phải lúc nào cũng bất lợi. Ở những trẻ có tính cách mạnh mẽ, có lý tưởng, có mục tiêu rõ ràng, phù hợp với bản thân mình thì mùa thi có thể là những bước ngoặt, là động lực để phấn đấu vượt qua.

Tuy nhiên, có những trẻ không được chuẩn bị tâm lý một cách vững vàng, đồng thời đặt nặng kết quả, thành tích vượt qua khả năng của bản thân thì mùa thi cử sẽ gặp phải áp lực rất lớn, dễ dẫn đến stress, mệt mỏi.

  Những trẻ đặt nặng kết quả, thành tích vượt qua khả năng của bản thân thì mùa thi cử sẽ dễ gặp phải stress, mệt mỏi. Ảnh minh họa

Những trẻ đặt nặng kết quả, thành tích vượt qua khả năng của bản thân thì mùa thi cử sẽ dễ gặp phải stress, mệt mỏi. Ảnh minh họa

Do đó, TS Hà An khuyên cha mẹ nên nhận thức rằng, thời điểm mùa thi, kỳ thi không phải là khoảng thời gian quyết định duy nhất đối với kết quả học tập của con mình. Cho nên, khi đã đến kỳ thi, có 2 thái độ mà cha mẹ nên tránh.

Thứ nhất là đặt toàn bộ áp lực, hy vọng vào thời điểm đó. Cha mẹ không nên nghĩ rằng chỉ còn vài tuần, vài ngày nữa thôi là thời điểm quyết đinh, phải hy sinh mọi thứ, bằng mọi giá để con đạt được kết quả tốt nhất. Điều này là không đúng và sẽ gây áp lực rất lớn cho con.

Thứ 2 là thái độ thế nào cũng được, tức là cha mẹ tạo cho trẻ suy nghĩ thôi học được thế nào thì học, có thế thôi, sức khỏe là quan trọng nhất. Thái độ như vậy sẽ không thúc đẩy, tạo được áp lực gì đối với trẻ, trẻ sẽ không cố gắng hết sức.

Cả 2 thái độ này đểu không tạo được kết quả tốt đối với trẻ, thậm chí còn gây hại cho trẻ.

Để giúp trẻ vượt qua một kỳ thi thành công, tốt đẹp, cha mẹ cần lưu ý, trước mỗi kỳ thi quan trọng, cần bình ổn tâm lý và giải tỏa cảm xúc giúp trẻ dịu bớt căng thẳng.

Đặc biệt, cha mẹ và thầy cô cần lắng nghe và chia sẻ với những khó khăn, áp lực mà trẻ đã và đang gặp phải. Từ đó giúp trẻ giải phóng bớt những cảm xúc tiêu cực tích tụ trong lòng, sau đó mới có thể khuyên giải hoặc tìm kiếm biện pháp gỡ rối.

Cha mẹ và thầy cô cần có sự tư vấn để trẻ xây dựng mục tiêu, lý tưởng trong học tập ở mức phù hợp với sức học của mình. Xác định rõ kết quả của kỳ thi có vai trò quan trọng như thế nào, từ đó có những phương pháp, biện pháp để có kết quả tốt nhất.

“Một điều rất quan trọng mà cha mẹ nên làm trong mùa thi với trẻ là lời động viên với con mình rằng, các con hãy cố gắng hết mình, dù kết quả như thế nào, sau khi mình đã cố gắng hết mình thì không có hối hận” – BS Hà An nói. 

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO