Báo Điện tử Gia đình Mới

Trẻ càng ngoan hiền, học giỏi càng dễ bị stress mùa thi, cha mẹ cần nhớ 3 dấu hiệu để nhận biết sớm

Theo TS.BS Dương Minh Tâm - Trưởng phòng Rối loạn stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, trẻ đến khám và điều trị trầm cảm, stress đến từ các lớp chuyên, lớp chọn nhiều hơn các lớp thông thường.

Một nữ sinh học lớp 10 ở Hà Nội mới phải vào Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai để thăm khám vì hay bị đau đầu.

Gia đình bệnh nhi chia sẻ, bệnh nhi rất ngoan hiền. Thời điểm cuối cấp II trẻ cố gắng học để thi vào trường chuyên, nhưng không đạt nguyện vọng I, trẻ học ở trường quận.

Sau khi thi vào lớp 10 trẻ buồn chán nhiều về kết quả của mình nhưng cố gắng thích nghi và chuẩn bị vào học.

Trong quá trình học lớp 10, mẹ của bé thi thoảng mắng bé về việc không thi đỗ, kể nể về công lao đưa đi học thêm làm trẻ suy nghĩ nhiều, mệt mỏi, dễ tức tối, nhiều khi muốn xin đi học thêm nhưng không nói ra vì nghĩ đến sự “kể công” của mẹ…

Từ đó bệnh nhân xuất hiện buồn chán nhiều hơn, hay mệt mỏi, khó tập trung dù bệnh nhân cố gắng rất nhiều…, cơn đau đầu xuất hiện thường xuyên và có các triệu chứng của trầm cảm.

Gia đình đã cho bé đi khám chuyên khoa thần kinh, được chụp MRI sọ não vài lần nhưng không thấy tổn thương và bác sĩ cũng không rõ trẻ mắc bệnh gì. Sau đó, gia đình đã đưa bé vào Viện Sức khỏe tâm thần thăm khám.

  Nhiều trẻ cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, đau dạ dày... khi đến mùa thi cử. Ảnh minh họa

Nhiều trẻ cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, đau dạ dày... khi đến mùa thi cử. Ảnh minh họa

TS.BS Dương Minh Tâm - Trưởng phòng Rối loạn stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai cho biết, vào thời điểm thi cử, nhất là những kỳ thi quan trọng, số lượng trẻ đến khám và điều trị sức khỏe tâm thần gia tăng. 

Stress và trầm cảm gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 14 và 17, là thời điểm các cháu học sinh thi chuyển cấp lên trung học phổ thông và đại học. Đặc biệt các trẻ đến khám và điều trị trầm cảm, stress đến từ các lớp chuyên, lớp chọn nhiều hơn các lớp thông thường.

Stress là tình trạng đáp ứng về mặt cơ thể (tăng hưng phấn thần kinh tự trị) hoặc tâm lý (cảm giác khó chịu, căng thẳng, mất kiểm soát) đối với các yếu tố làm rối loạn sự cân bằng của cá thể và vượt qua khả năng thích nghi của cá thể.

Bác sĩ Tâm chia sẻ thêm, trong một nghiên cứu năm 2019 -2020 tại BV Nhi Trung ương với đối tượng là học sinh từ 10-19 tuổi thấy: 55,6% số trẻ có sang chấn tâm lý (áp lực học tập 20%, áp lực gia đình 20,5%, quan hệ bạn trong trường 8,9%).

Và kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, stress và trầm cảm gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 14 và 17, là thời điểm các cháu học sinh thi chuyển cấp lên trung học phổ thông và đại học. Điều đáng chú ý là stress gặp nhiều hơn ở trẻ ngoan và học khá.

Trong thực tế điều trị của mình, bác sĩ Tâm nhận thấy, phần lớn, các trẻ đến khám và điều trị trầm cảm, stress là đến từ các trường chuyên, lớp chọn. Với những trẻ ngoan, có thành tích cao trong học tập thường có những áp lực tự thân hơn là những trẻ mải chơi, áp lực vị trí trong trường lớp, hình ảnh bản thân trong mắt gia đình, thầy cô và thường sống, suy nghĩ có trách nhiệm hơn khiến trẻ phải nỗ lực không ngừng.

Những trẻ này thường căng thẳng và bị stress, nhất là khi không đạt được kỳ vọng sẽ bị nặng hơn trẻ khác. Điều này cho thấy các áp lực từ việc học tập, áp lực từ gia đình, áp lực thành tích là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng stress ở lứa tuổi học đường.

Qua khai thác bệnh sử, phần lớn các em học sinh bị stress mãn tính, quá trình stress đã âm thầm diễn biến từ khoảng 3 - 5 năm trước và áp lực thi cử chỉ là “giọt nước tràn ly”.

Diễn biến tâm lý, sự thay đổi tính cách của học sinh trùng với lứa tuổi dậy thì nên nhiều bậc cha mẹ mặc nhiên chấp nhận sự thay đổi đó. Chỉ đến khi trẻ có những hành vi làm tổn thương bản thân hoặc quá bất thường thì bố mẹ mới nhận diện và đưa trẻ đến viện thì thường trẻ đã ở giai đoạn trầm cảm, stress nặng.

Để nhận diện được dấu hiệu trầm cảm, stress ở trẻ, TS. Minh Tâm chỉ dẫn, stress thường diễn biến rất âm thầm, tuy nhiên cha mẹ cần quan tâm khi trẻ có những hành vi sau:

- Hành vi tự hủy hoại bản thân (các vết cứa ở cẳng tay hoặc đùi, cắn móng tay, bấm vào đầu ngón tay..). Việc tự làm đau bản thân này là cách để giải tỏa sự bấn loạn trong cảm xúc bản thân của trẻ.

- Trẻ có những hành vi bất thường, trái ngược với tính cách trước kia như trẻ trở nên hung hăng, chống đối hoặc tuân thủ quá mức, có sự rối loạn trong hành vi ăn uống như ăn quá ít hoặc quá nhiều, bị rối loạn giấc ngủ như ngủ quá nhiều hoặc quá ít, buồn chán, giảm kết nối với xã hội...

- Stress cơ năng như trẻ bị đau bụng, đau đầu, đau dạ dày, xuất huyết tiêu hóa... Những cơn đau này thường xuất hiện khi trẻ chuẩn bị bước vào kì thi hoặc trước sự kiện quan trọng. Khi sự kiện qua đi thì các cơn đau này giảm triệu chứng.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO