Vì sao hơn 11.000 trạm y tế xã/phường bị người bệnh 'quên' khi chăm sóc sức khoẻ?

Hiện cả nước có hơn 11.000 trạm y tế xã/phường, phần lớn trong số đó đạt tiêu chuẩn quốc gia, có bác sĩ làm việc nhưng chỉ có 4% chi phí phát sinh tại trạm y tế xã/phường.

tram-y-te

Nhiều người dân thẳng thắn chia sẻ, khi có bệnh, họ không tìm đến trạm y tế và xin hưởng bảo hiểm, mà chuyển thẳng về tuyến huyện. Đơn cử như chị Bùi Thu Hằng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Dù có bị bệnh, tôi cũng không đến trạm y tế phường”.

Cũng như chị Hằng, phần lớn người dân Việt Nam thường không muốn tìm đến các trạm y tế để khám chữa bệnh. Thay bằng cái lịch tiêm chủng mở rộng, nghe tư vấn kế hoạch hoá gia đình… khi có bệnh, họ đến thẳng bệnh viện, phòng khám tư nhân. 

Trong khi đó, ở các nước khác, việc khám chữa bệnh tại y tế cơ sở là vô cùng quan trọng. Đó là nơi gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khoẻ cơ bản với chi phí thấp, luôn được xác định là nền tảng để thực hiện chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Chưa kể, 80% bệnh lý có thể chăm sóc ngay tại trạm y tế, mô hình bác sĩ gia đình.

Ngành y tế vẫn nhận định, chăm sóc sức khoẻ như hình chóp, chi phí điều trị sẽ giảm dần theo chiều từ y tế cơ sở đến các tuyến sau.

Nhưng theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định, “y tế Việt Nam đang như cái nón lộn ngược”. Chúng ta dành quá nhiều chi phí cho tuyến cuối nhưng eo hẹp cho tuyến ban đầu. 

Cuộc họp nhóm đối tác

Cuộc họp nhóm đối tác "Cơ chế tài chính cho công tác chăm sóc sức khoẻ toàn dân hướng đến bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân" diễn ra ngày 15/5

Ông Bùi Sỹ Lợi cũng chia sẻ, hệ thống y tế cơ sở của Việt Nam đã được thiết lập từ lâu và quốc tế đánh giá rất cao về sự rộng khắp của mạng lưới đó. Việt Nam có tới 622 bệnh viện tuyến huyện, 651 phòng khám đa khoa khu vực và trên 11.000 trạm y tế xã.

Thế nhưng, chất lượng hoạt động của hệ thống này còn rất hạn chế, chưa đảm bảo là tuyến đầu tiên trong chăm sóc và quản lý sức khoẻ người dân. Người dân chưa tin tưởng đến khám chữa bệnh, dẫn đến tình trạng vượt tuyến và quá tải ở bệnh viện các tuyến trên. 

Lý giải cho hệ quả này, theo bà Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, tài chính - Bộ Y tế cho rằng, ngay chính trong mô hình cơ sở y tế ban đầu “khổng lồ” của nước ta có nhiều lỗ hổng. Nó thể hiện ngay ở nguồn nhân lực, vật lực tại đây.

Trong 11.000 trạm y tế, quá nửa trong số đó cần được nâng cấp và sửa mới. Máy móc, trang thiết bị nghèo nàn, lạc hậu. Chưa kể, cán bộ nhân viên y tế tại trạm còn thiếu, chưa được đào tạo. Không ít trong số trạm y tế trên cả nước chưa có bác sĩ đảm nhiệm.

Ngoài ra, theo đại diện Bộ Y tế, nhiều chính sách cản trở việc phát triển cơ sở y tế ban đầu. Trong đó, phải kể đến, cơ chế thông tuyến đã làm cho số lượng khám chữa bệnh tại trạm y tế giảm đi rõ rệt. Vẫn còn những vướng mắc về cơ chế chính sách như cơ chế chi trả bảo hiểm y tế, từ đó kéo theo việc cán bộ trạm y tế xã thiếu động lực tích cực để làm việc. 

Còn ông Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm: “Sở dĩ có việc này, tôi nghĩ phần nhiều do Nhà nước quan tâm chưa toàn diện tích cực, chưa có cơ chế, chính sách thoả đáng để nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, mà ở đây là cơ chế tài chính. 

Mặc dù chi ngân sách nhà nước cho y tế đều tăng qua các năm nhưng đầu tư nhà nước vẫn chưa đảm bảo nâng cao được chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu của y tế cơ sở, chưa thể phát triển tương xứng với yêu cầu thực tiễn, tỉ lệ chi tiền túi từ hộ gia đình của Việt Nam trong tổng chi y tế vẫn cao. Đây là điều rất cần suy nghĩ”. 

Để giải quyết vấn đề trên, bà Phan Lê Thu Hằng nhìn nhận, cần đối mới toàn diện cơ chế đầu tư tài chính cho mạng lưới y tế cơ sở, đổi mới phương thức chi trả cho mạng lưới này.

Bên cạnh đó, phải giải quyết bài toán nhân lực cơ sở, bắt buộc phát triển năng lực nguồn nhân lực bằng việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ… Song song với đó cũng tăng cường các can thiệp nhằm thay đổi hành vi của cá nhân, cộng đồng, nâng cao vị thế của y tế cơ sơ trong nhận thức hành vi.

Hồng Ngọc

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính