Nhà thờ Đức Bà Paris (tên tiếng Pháp Cathédrale Notre-Dame de Paris) vừa bị hoả hoạn thiêu rụi khiến nước Pháp bàng hoàng.
Đây là một nhà thờ Công giáo tiêu biểu cho phong cách kiến trúc gothic trên đảo Île de la Cité (nằm giữa dòng sông Seine) của Paris.
Đây cũng là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Paris.
Nhà thờ Đức Bà Paris lần đầu được khởi công xây dựng vào năm 1163 để làm nơi sinh hoạt cho các tín đồ Công giáo. Sau nhiều lần tu sửa, thay đổi trong hàng trăm năm tiếp theo, công trình hoàn tất vào năm 1350.
Quá trình xây dựng Nhà thờ Đức bà Paris kéo dài 187 năm với sự tham gia của nhiều kiến trúc sư danh tiếng lúc bấy giờ như Jean de Chelles, Pierre de Montreuil, Pierre de Chelles, Jean Ravy và Jean le Bouteiller.
Những năm 1790, cuộc cách mạng Pháp nổ ra gây nhiều thiệt hại trầm trọng cho Nhà thờ Đức bà Paris. Các bức tượng bên ngoài mặt tiền toà nhà bị đập bể và nhiều hư hại khác bên trong.
Nhưng như có một phép lạ, vào năm 1831 văn hào Victor Hugo viết cuốn sách Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà, và chính ông đã là động lực để chính quyền tu bổ di tích lịch sử quan trọng này của thành phố Paris.
Cuốn sách được tán thưởng nhiệt liệt và chỉ trong một thời gian ngắn sau đó kiến trúc sư Viollet-Le-duc đã được đô thành mướn để trùng tu nhà thờ Đức Bà Paris.
Nhà thờ có chiều dài 128 mét, chiều rộng 48 mét, chiều cao 69 mét.
Dù không phải là nhà thờ lớn nhất nước Pháp, nhưng nhà thờ Đức Bà Paris lại có tầm ảnh hưởng và sức thu hút nhất.
Nhà thờ Đức Bà Paris – Công trình mẫu mực của kiến trúc Gothic
Kiến trúc Gothic là một hình thể kiến trúc rất thịnh vào giữa và cuối thời kỳ Trung cổ. Nó là chuyển tiếp giữa kiến trúc La mã và kiến trúc thời Phục Hưng.
Nhà thờ Đức Bà Paris là một trong những nhà thờ đầu tiên theo lối kiến trúc gothic và được xây dựng trong suốt thời kỳ Gothic.
Các bức phù điêu và những tấm kính màu thể hiện sự ảnh hưởng mạnh mẽ của chủ nghĩa tự nhiên, mang đến cho chúng dáng vẻ gần với thế tục hơn so với lối kiến trúc La Mã trước đó.
Nhà thờ Đức Bà Paris là một trong số những công trình đầu tiên của thế giới sử dụng các trụ đỡ.
Thiết kế đầu tiên của nhà thờ này không có các trụ đỡ quanh chỗ ngồi của dàn đồng ca và gian giữa của thánh đường.
Sau khi công trình được khởi công và các bức tường mỏng (rất phổ biến trong kiến trúc gothic) ngày càng được xây cao và rộng hơn, các vết nứt bắt đầu xuất hiện khiến cho các bức tường bị nghiêng.
Để khắc phục tình trạng đó, các kiến trúc sư cho xây thêm những trụ đỡ quanh bên ngoài của các bức tường và kể từ đó cách làm này đã được áp dụng trong việc xây dựng các phần tiếp theo của nhà thờ.
Tác phẩm "Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà" của Victor Hugo
Công trình nhà thờ Đức Bà Paris không chỉ là báu vật lịch sử mà còn nổi tiếng vì mối liên hệ với cuốn tiểu thuyết kinh điển của Victor Hugo, Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà.
Nếu bạn qua bên trái của Nhà Thờ và thấy phần cầu thang, đưa mọi người lên tháp chuông cao 69 mét.
Đây chính là nơi Đại Văn Hào Victor Hugo đã mô tả thằng gù Quasimodo trong tác phẩm Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà.
Tháp phía tây nam (bên phải) là nơi để một cái chuông lớn tên Emmanuel cân nặng 13,000kg và một cây để rung chuông nặng 500kg.
Xem thêm video: Vẻ đẹp của nhà thờ Đức Bà Paris
Những điểm nổi bật khác bên trong nhà thờ bao gồm ba cửa sổ bằng kính màu cổ kính, trong đó cửa sổ hướng bắc có niên đại từ thế kỷ 13, và chiếc Đại Phong cầm đầy ấn tượng.
Bên dưới nhà thờ Đức Bà là một lớp công trình ngầm. Dưới chân Nhà thờ Đức Bà Paris hơn 260 feet (79 mét) là một Hầm mộ Khảo cổ kỳ lạ.
Hầm mộ có chứa các hiện vật thú vị từ thời Gallo-Roman, bao gồm dấu tích cổ đại của một ngôi nhà từ thời Lutèce, tên gọi của Paris trong giai đoạn La Mã. Hầm mộ mở cửa hàng ngày, trừ Thứ Hai và các ngày nghỉ.
Tọa lạc ở số 6 Parvis Notre-Dame – Pl. Jean-Paul II, 75004 Paris, Nhà thờ Đức bà Paris hiện là nơi làm việc của Đức Tổng Giám mục của thành phố này.
Cùng với tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn, bảo tàng Louvre…, nhà thờ Đức bà Paris là một trong những địa điểm check-in không thể bỏ qua của du khách khi đến thăm nước Pháp.
Mỗi năm, nơi đây đón hàng triệu lượt khách tham quan đến từ khắp nơi trên khắp thế giới.
Hoàng Nguyên (T/h)Bạn đang xem bài viết Nhà thờ Đức Bà Paris: Biểu tượng kiến trúc xây dựng gần 200 năm, tuổi đời hơn 800 tuổi tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].