Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nguyên nhân khiến TP.HCM giãn cách trong thời gian dài nhưng số ca nhiễm vẫn tăng là do thành phố áp dụng xét nghiệm tăng cường, tầm soát COVID-19 diện rộng.
Trong thời gian vừa qua, TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội, đẩy mạnh xét nghiệm "vùng đỏ", "vùng cam". Khi thực hiện xét nghiệm tầm soát diện rộng thì số ca dương tính vẫn có nhưng số ca chỉ giao động từ 4.000 đến 6.000. Thực tế trong thời gian vừa qua số ca dương tính ở "vùng đỏ", "vùng cam" giảm đáng kể.
Tỉ lệ dương tính ở "vùng đỏ", "vùng cam" đợt 1 là 3,6%, đợt 2 là 2,7% và khi kết thúc đợt 3 là 1,1%. Thời gian sắp tới TP.HCM vẫn tiếp tục rà đi soát lại, tối thiểu từ 2 - 3 lần để bóc tách F0.
Theo kế hoạch, từ nay đến hết ngày 30/9/2021, TP.HCM sẽ triển khai xét nghiệm thần tốc để tiếp tục bóc tách ngay nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời dựa trên kết quả đánh giá, phân loại lại vùng nguy cơ sau ngày 14/9/2021.
Như vậy, tại các vùng đỏ, vùng cam, Thành phố sẽ tập trung lực lượng lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày theo hộ gia đình với phương pháp test nhanh mẫu gộp (2 - 3 người/test/hộ gia đình) hoặc xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo hộ gia đình (toàn bộ thành viên trong 1 hộ gia đình/1 mẫu gộp), giải gộp mẫu dương tính bằng test nhanh.
Tại các vùng vàng, vùng xanh, vùng cận xanh sẽ thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp đại diện hộ gia đình, gộp 10 cho vùng xanh, vùng cận xanh và gộp 5 cho vùng vàng.
Trong đó, mẫu đại diện đợt sau phải khác với mẫu đại diện ở đợt trước, ưu tiên chọn người chưa tiêm vắc xin, người tiếp xúc với nhiều người khác; nếu hộ có từ 5 nhân khẩu trở lên phải lấy 2 mẫu đại diện hộ gia đình. Giải gộp mẫu dương tính bằng test nhanh hoặc RT-PCR mẫu đơn cho toàn bộ thành viên của các hộ gia đình trong mẫu gộp; tần suất lặp lại 5 - 7 ngày/lần.
Thành phố sẽ tiếp tục tổ chức nhiều đội lấy mẫu, chủ động huy động, tăng cường nguồn nhân lực tại địa phương tham gia công tác lấy mẫu, và khuyến khích người dân tự lấy mẫu.
Việc lấy mẫu sẽ có sự tham gia của tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, tổ nhân dân, ban điều hành khu phố, ấp...; Chia nhỏ điểm lấy mẫu và địa điểm tổ chức lấy mẫu phải phù hợp: có thể lấy tại hộ gia đình, có thể tại một vị trí thuận lợi tiến hành mời lần lượt từng hộ dân ra lấy mẫu, kết thúc lấy mẫu hộ gia đình này thì mời hộ gia đình khác.
Thực hiện đúng quy tắc 5K, trách lây nhiễm chéo trong quá trình lấy mẫu; Người lấy mẫu thực hiện đúng quy trình, quy định, đúng công tác vệ sinh khử khuẩn. Đặc biệt lưu ý về quy trình thay đồ bảo hộ, thay găng hoặc sát khuẩn găng khi lấy mẫu.
Trường hợp để người dân tự lấy mẫu thì phải có hướng dẫn hoặc đính kèm hướng dẫn. Nếu người dân tự lấy mẫu và thực hiện test nhanh thì địa phương sau đó phải thu nhận lại khay test nhanh để đánh giá kêt quả.
An AnBạn đang xem bài viết Nguyên nhân khiến TP.HCM giãn cách xã hội thời gian dài nhưng số ca mắc vẫn cao tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].