Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, đang điều trị cho 55 ca viêm não, trong đó có 27 ca viêm màng não, 8 ca viêm não Nhật Bản, 20 ca viêm màng não mủ.
Trong 2 tuần gần đây, lượng bệnh nhi mắc viêm não nhập viện lại gia tăng, trung bình, mỗi ngày trung tâm tiếp nhận từ 10 - 12 ca viêm não.
Bên cạnh đó, số ca nhập viện do tay chân miệng cũng tăng. Trung bình mỗi ngày, Trung tâm Bệnh nhiệt đới tiếp nhận 15 - 20 ca tay chân miệng.
Tương tự, tại Khoa Nội nhi tổng hợp, Bệnh viện E thời điểm này cũng tiếp nhận khám và điều trị trung bình từ 10 đến 15 ca tay chân miệng/ ngày.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm là giai đoạn cao điểm của bệnh viêm não.
Với viêm não, các triệu chứng cơ bản ban đầu là sốt, nôn, đau đầu. Sốt trong viêm não thường trẻ sốt rất cao, rất khó đáp ứng với thuốc hạ nhiệt, cộng với đó là trẻ đâu đầu rất dữ dội, trẻ nôn vọt tự nhiên, trẻ không ăn gì cũng nôn vọt ra. Đó là những dấu hiệu ban đầu của bệnh viêm não.
Rất nhanh sau đó trẻ có biểu hiện rối loạn ý thức từ nhẹ đến nặng, nhẹ thì trẻ ngủ gà, lơ mơ rồi đến ly bì. Nặng nữa là trẻ có thể rơi vào hôn mê.
Và trong nhiều trường hợp nặng, trước khi vào hôn mê trẻ có thể xuất hiện những cơn co giật hoặc có biểu hiện của liệt khu trú. Đó là những dấu hiệu điển hình của viêm não virus nói chung, trong đó có viêm não Nhật Bản.
Do đó, cha mẹ cần lưu ý khi trẻ sốt, đau đầu, nôn ói… Bởi đa phần các ca viêm não nhập viện đều trong tình trạng nặng, trẻ bị biến chứng mất ý thức. Nếu trẻ có các dấu hiệu điển hình kể trên, cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
Để phòng bệnh hiệu quả, bác sĩ Lâm khuyến cáo, trẻ cần được tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch.
Tiêm vắc-xin là biện pháp an toàn và hiệu quả để ngăn ngừa các bệnh do virus, vi khuẩn, nhất là các bệnh truyền nhiễm.
Hầu hết khi tiêm đủ vắc-xin là sẽ đảm bảo trẻ không mắc bệnh về truyền nhiễm. Tuy nhiên, tùy đáp ứng với mỗi cơ thể, hoặc là khi tiêm vắc-xin chưa đầy đủ, hoặc là chưa đủ liều thì có thể trẻ vẫn mắc.
Nhưng khi đã có vắc-xin là trẻ tạo được miễn dịch, đáp ứng miễn dịch của cơ thể với virus, vi khuẩn rất nhanh, nếu chẳng may bị bệnh thì trẻ cũng bị nhẹ hơn so với trẻ chưa tiêm văc-xin phòng bệnh.
Ngoài ra, với bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh do muỗi truyền, cộng với các loại virus khác như sốt xuất huyết cũng là do muỗi truyền. Vì vậy cần thực hiện các biện pháp tiêu diệt muỗi, phòng ngừa muỗi đốt như nằm màn, phát quang bụi rậm, diệt loăng quăng bọ gậy là những điều cần làm trong mùa dịch.
Đồng thời, cha mẹ cần nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Tại trường học, phòng ngủ của trẻ cũng phải được thông thoáng để đảm bảo trẻ có đủ sức khỏe, sức đề kháng để chống lại bệnh tật.
Khác với bệnh viêm não, tay chân miệng là bệnh chưa có vaccine và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên điều quan trọng để phòng bệnh là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; vệ sinh nhà cửa, các vật dụng hằng ngày; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi; không cho trẻ dùng chung đồ dùng cá nhân...
An AnBạn đang xem bài viết Nguyên nhân chính khiến trẻ nhập viện tăng vì mắc các bệnh truyền nhiễm tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].