Tăng huyết áp là bệnh phổ biến ở người cao tuổi. Đây là bệnh lý có thể gây ra rất nhiều biến chứng khác nhau và thậm chí có thể tử vong như: Cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, xuất huyết não, nhũn não, suy thận, các biến chứng về mắt, các biến chứng về mạch máu… Những biến chứng này có ảnh hưởng lớn đến người bệnh, gây tàn phế và trở thành gánh nặng cho gia đình người bệnh và xã hội. Vì vậy, để tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp, người cao tuổi cần biết cách theo dõi và tuân thủ điều trị.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ BV Nhân dân 115, để có trị số huyết áp đúng, việc đo huyết áp là bước chẩn đoán quan trọng nhất vì tránh được việc điều trị quá mức hoặc không đầy đủ. Cần đo nhiều lần và nhiều vị trí khác nhau (2 tay, 2 chân) để so sánh, đôi khi giúp phát hiện bệnh lý mạch máu ví dụ như trong teo hẹp eo động mạch chủ huyết áp chi trên cao hơn chi dưới.
Đo huyết áp cần thực hiện trong phòng yên tĩnh, trạng thái tinh thần người bệnh thoải mái. Tư thế đo huyết áp thông thường là tư thế nằm và ngồi để làm sao băng quấn cánh tay ngang mức với tim. Băng quấn cánh tay phải phù hợp kích thước cánh tay.
Cách thức theo dõi điều trị tăng huyết áp
- Đo huyết áp tại phòng khám: Thường áp dụng cho người bệnh đi thăm khám tại các cơ sở y tế. Nhược điểm là trị số huyết áp tại phòng khám thường cao hơn trị số thực sự 20-30mmHg, dù kỹ thuật đo của nhân viên y tế là đúng. Hiện tượng này còn gọi là hiệu ứng áo choàng trắng. Sự gia tăng huyết áp này là do tâm lý người bệnh khi đến môi trường y tế. Điều này làm bác sĩ thay đổi thuốc hoặc tăng liều sẽ gây bất lợi là tụt huyết áp do điều trị quá mức.
- Đo huyết áp tại nhà: Sẽ rất tốt nếu người bệnh có thể tự đo huyết áp ở nhà nhiều lần trong ngày để kết hợp với trị số đo tại phòng khám. Với các máy đo huyết áp điện tử hiện nay sẽ hỗ trợ lớn cho bác sĩ và người bệnh theo dõi điều trị. Người bệnh có thể tự đo huyết áp ở nhà trung bình > 3 lần/ngày sau đó ghi vào sổ theo dõi huyết áp. Khi tái khám người bệnh nên đem theo để bác sĩ tham khảo kết hợp với trị số đo huyết áp tại phòng khám bệnh.
Việc điều trị tăng huyết áp chỉ thật sự ích lợi khi trị số huyết áp được đưa về gần như bình thường. Với trị số này mới có thể ngăn ngừa biến chứng do tăng huyết áp. Vấn đề quan trọng là việc tuân thủ điều trị của người bệnh và sử dụng thuốc hợp lý của bác sĩ. Hiện vẫn có người bệnh tăng huyết áp không tuân thủ đúng điều trị một phần do chưa hiểu hết tầm quan trọng của điều trị huyết áp, do bận công việc nên không tái khám và uống thuốc đúng giờ, chi phí thuốc và các xét nghiệm kèm theo trong mỗi lần khám khá đắt và tác dụng phụ của thuốc. Mặc dù huyết áp của người bệnh có thể đã ổn định trong giới hạn cho phép nhưng điều đó không có nghĩa là người bệnh được tự ý ngưng thuốc. Để an toàn cho sức khỏe, người bệnh cần khám định kỳ tại bác sĩ chuyên khoa tim mạch mà mình tin tưởng và tái khám ngay khi thấy có thay đổi bất thường như choáng váng, khó thở...
An AnBạn đang xem bài viết Người cao tuổi bị tăng huyết áp nên theo dõi và điều trị bệnh thế nào? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].