Người bị bệnh dạ dày có phải kiêng ăn chuối tiêu không?

Nhiều người bị đau dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng bảo nhau kiêng chuối tiêu để bụng không đau, bệnh không tiến triển nặng. Cách này có thực sự hiệu quả?

GS.TS.BS Nguyễn Khánh Trạch cho biết:

GS.TS.BS Nguyễn Khánh Trạch cho biết: "Chưa có nghiên cứu nào chứng minh việc ăn chuối tiêu gây bệnh dạ dày và làm tăng nặng tình trạng đau dạ dày của bệnh nhân"

Hỏi: Tôi bị viêm loét dạ dày tá tràng đã hơn một năm nay, dù đã điều trị nhưng bệnh chỉ ổn định mà không khỏi hẳn. Mọi người trong gia đình thường bảo do tôi không chịu kiêng chuối, đồ ăn cay, nóng nên dù có uống thuốc bệnh cũng không thể khỏi hẳn được. Xin hỏi việc kiêng chuối, đồ cay, nóng để điều trị bệnh như vậy có đúng không? (Nguyễn Văn Biên, 56 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội)

GS.TS.BS Nguyễn Khánh Trạch (Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam) cho biết: “Chế độ ăn uống có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đặc biệt là đối với dạ dày. Những thói quen không tốt như vừa ăn vừa xem tivi, chơi điện thoại, thường xuyên ăn đêm, ăn quá no hoặc quá đói sẽ làm cho dạ dày làm việc quá sức, gây ra tình trạng đầy hơi, khó tiêu.

Hay như việc ăn quá nhiều chất kích thích, thức ăn quá chua, quá cay, quá nóng, ăn nhiều chất béo, ăn không đúng bữa, ăn vội vàng, nhai không kỹ cũng sẽ làm dạ dày bị tổn thương.

Một chế độ ăn uống không hợp lý còn làm cho dạ dày tiết ra dịch acid nhiều hơn làm ăn mòn niêm mạc dạ dày, lâu dần dẫn tới viêm loét dạ dày, tá tràng và gây ra các bệnh về đường tiêu hóa khác.

Thói quen sinh hoạt không hợp lý dễ gây bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng

Thói quen sinh hoạt không hợp lý dễ gây bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng

Và khi bị bệnh, ngoài việc dùng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ thì người bệnh cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày để quá trình điều trị đạt hiệu quả tốt nhất. Trong đó, việc loại bỏ những thói quen không tốt như đã kể trên có thể giúp hỗ trợ điều trị bệnh rất tốt.

Tôi cũng có từng nghe rất nhiều bệnh nhân đưa ra câu hỏi giống như của bạn là khi bị đau dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng có được ăn chuối tiêu không? Thực tế có một số người bị bệnh liên quan dạ dày sau khi ăn chuối tiêu thường có cảm giác đau bụng âm ỉ.

Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào chứng minh việc ăn chuối tiêu gây bệnh dạ dày và làm tăng nặng tình trạng đau dạ dày của bệnh nhân. Bên cạnh những người bệnh nói rằng họ bị đau bụng khi ăn chuối tiêu thì cũng có rất nhiều người bệnh bị viêm loét dạ dày, tá tràng thấy sức khỏe bình thường sau khi ăn chuối.

Vậy nên, việc ăn chuối có gây đau bụng hay không còn tùy thuộc vào cơ địa của từng người, cũng giống như người này bị dị ứng với hải sản, người khác lại không gặp vấn đề gì. Do đó, người bị bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng có thể thoải mái ăn chuối nếu như ăn xong không thấy đau hay các biểu hiện lạ nào”.

Chuối có tác dụng nhuận tràng rất tốt, giúp cải thiện tình trạng táo bón ở những người bị rối loạn tiêu hóa

Chuối có tác dụng nhuận tràng rất tốt, giúp cải thiện tình trạng táo bón ở những người bị rối loạn tiêu hóa

Chuối là một loại thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao. Theo nghiên cứu một quả chuối giúp cung cấp 5% năng lượng, 10% kali và 10%vitamin C cho nhu cầu hoạt động của con người hàng ngày. Giá trị dinh dưỡng có trong một quả chuối bao gồm nhiều protein, tinh bột, chất béo, các loại đường, kali, phôt-pho, kẽm, vitamin C, A, E, vitamin B11…

Với những người bị rối loạn tiêu hóa dẫn đến táo bón, chuối có tác dụng nhuận tràng rất tốt. Lượng kali dồi dào trong chuối còn giúp kích thích sản sinh các tế bào trong lớp niêm mạc dạ dày. Để hạn chế tình trạng ợ hơi, khó chịu mà nhiều người vẫn tả sau khi ăn chuối, bạn nên ăn những quả chuối đã chín, không nên ăn những quả chuối còn xanh, nhiều nhựa, nên tránh ăn chuối khi đói, tốt nhất nên ăn sau bữa ăn.

Ngoài ra, người bị viêm loét dạ dày tá tràng như bạn khi chế biến món ăn nên thái nhỏ thực phẩm để luộc, hấp, ninh nhừ. Như vậy vừa giúp phục hồi các tổ chức tế bào bị tổn hại và làm mau lành vết loét, vừa tránh được sự kích thích cơ học, hóa học của thức ăn đối với niêm mạc dạ dày và ruột.

Tránh dùng các loại kích thích niêm mạc dạ dày như rượu, bia, chè đặc, cà phê, chuối tiêu, gừng, riềng, ớt, tiêu…

Nên ăn vừa đủ, không ăn quá no vì no quá sẽ khiến việc nhào trộn thức ăn với dịch vị sẽ khó khăn hơn. Không nên để dạ dày quá rỗng, vì đói quá sẽ khiến dạ dày phải co bóp nhiều.

Linh Nhi

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính