Bệnh tiểu đường là gì?
Bệnh tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường ở trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường do cơ thể thiếu hụt về tiết insulin hoặc đề kháng với insulin hoặc cả 2, dẫn đến rối loạn quan trọng về chuyển hóa đường, đạm, mỡ, chất khoáng.
Nếu lượng đường trong máu luôn ở mức cao sẽ làm gia tăng các nguy cơ bệnh lý tim mạch, đồng thời gây tổn thương ở nhiều cơ quan bộ phận khác như thần kinh, mắt, thận và nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác.
Những sai lầm nghiêm trọng trong ăn uống của người bệnh tiểu đường
Với người bị bệnh tiểu đường, thói quen sinh hoạt và ăn uống vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, vì chưa hiểu hết về bệnh nên nhiều người bệnh tiểu đường mắc phải những sai lầm nghiêm trọng trong ăn uống.
Cụ thể như sau:
Bỏ qua bữa sáng
Bữa sáng đóng vai trò quan trọng nhất trong ngày, nó giúp kiểm soát lượng carbohydrate trong ngày, kiểm soát cân nặng và giữ ổn định đường huyết.
Ăn sáng quá muộn có thể gây hạ đường huyết hoặc làm cho đường huyết của bệnh nhân ở mức quá thấp. Tuy nhiên, bữa sáng trong chế độ ăn của người bệnh tiểu đường nên có những món ăn nhẹ như một cốc sữa chua, hoa quả hoặc một quả trứng luộc, một lát bánh mì cùng với ngũ cốc nguyên hạt để tránh không bị hạ đường huyết.
Không chỉ bữa sáng, người bệnh tiểu đường tuyệt đối không nhịn ăn. Khoảng cách giữa các bữa ăn quá xa có thể gây hạ đường huyết, đặc biệt là đối với những người bị tiểu đường và đang sử dụng các thuốc điều trị bệnh này.
Kiêng tất cả các loại đường, tinh bột
TS.BS Nguyễn Quang Bảy - Phụ trách Khoa Nội tiết, Đái tháo đường ở BV Bạch Mai cho biết, rất nhiều người nghĩ rằng chỉ cần kiêng tất cả các loại đường, tinh bột trong chế độ ăn cho bệnh nhân tiểu đường thì sẽ mang lại những hiệu quả nhất định trong kiểm soát đường huyết.
Tuy nhiên điều đó không hoàn toàn đúng bởi một bữa ăn của người bị tiểu đường cần phải có đầy đủ và cân đối các thành phần tinh bột, protein, lipit…
50% carbohydrate, 30% chất béo và 20% chất đạm là tỷ lệ dinh dưỡng mà khẩu phần ăn của cần cân bằng, bao gồm ăn cơm, ăn bánh mì phối hợp với các loại thực phẩm khác.
Nếu theo chế độ ăn ít carbohydrate, tăng chất đạm và chất béo lâu ngày dài tháng, bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ bị bệnh tim, bệnh thận nhiều hơn. Cơm, bánh mì… là nguồn năng lượng quý báu cho cơ thể mà chúng ta không được loại bỏ khỏi chế độ ăn hàng ngày.
Bữa ăn có quá nhiều chất béo “xấu"
Ăn chất béo nhiều hơn 30% tổng năng lượng có thể làm tình trạng đề kháng Insulin trở nên tồi tệ hơn. Hãy tránh xa những thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa, chẳng hạn như những đồ ăn nhanh hay đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ.
Hãy sử dụng các acid béo không bão hòa đơn (MUFAs) có nhiều trong bơ, dầu oliu, bơ đậu phộng, và các loại hạt giúp cải thiện tình trạng kháng Insulin cũng như giảm lượng chất béo trong gan.
Thêm vào đó, chế độ ăn của bệnh nhân tiểu đường chứa nhiều chất béo không bão hòa đơn và ít chất béo bão hòa cũng giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, hạ cholesterol máu (LDL), giảm triglycerid và giảm huyết áp.
Bữa ăn không cân bằng
Một số bệnh nhân tiểu đường không kiểm soát được bệnh vì họ không khống chế sự cân bằng tổng nhiệt lượng nạp vào cơ thể hàng ngày: chỉ hạn chế thức ăn chính mà không hạn chế thức ăn phụ, hấp thụ vào cơ thể một lượng lớn thịt và hoa quả. Mấu chốt của vấn đề là thực phẩm từ thịt và lượng dầu mỡ chế biến hấp thụ vào cơ thể quá nhiều sẽ dẫn đến tổng nhiệt lượng quá cao, vì thế người bị tiểu đường nên ăn nhiều rau và đồ khô.
Khẩu phần dinh dưỡng của bệnh nhân tiểu đường cần cân bằng hài hòa đủ 4 nhóm thực phẩm: bột đường, đạm, chất béo, rau xanh và quả chín, giúp người bệnh cảm thấy no và cung cấp cho cơ thể tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết.
Hoa quả cũng như rau xanh, có thể ăn thỏa thích. Tuy nhiên, trái cây chứa nhiều đường hơn rau xanh nên nếu bệnh nhân tiểu đường muốn khống chế lượng đường ổn định thì cần ăn hoa quả vào khoảng giữa hai bữa ăn.
Một quan điểm sai lầm là một số người bệnh cho rằng ăn nhiều một chút sau khi uống thuốc cũng không sao, thế nhưng điều này gây bất lợi cho việc khống chế đường huyết, dễ gây béo phì, tăng đề kháng insulin, hơn nữa còn tăng gánh nặng cho tuyến tụy, chức năng tế bào suy giảm nhanh chóng.
Đồ ăn nhẹ làm từ bột mì trắng
Chỉ số đường huyết của thực phẩm mặc dù vẫn còn đôi chút tranh cãi nhưng chất lượng tinh bột vẫn đang là vấn đề trong chế độ ăn uống bệnh tiểu đường. Một số nghiên cứu đã chỉ ra những loại tinh bột đã được tinh chế như bánh mì trắng, bánh quy, khoai tây chiên có liên quan đến sự tăng tỷ lệ kháng insulin.
Thay vì ăn các sản phẩm chế biến từ bột mì trắng và thêm đường, chế độ ăn cho người bệnh tiểu đường nên tập trung vào các món ăn nhẹ lành mạnh, có nhiều chất xơ và được làm bằng ngũ cốc nguyên hạt như bánh ngũ cốc nguyên hạt hoặc bánh gạo và bơ đậu phộng.
V.LinhBạn đang xem bài viết 5 sai lầm nghiêm trọng về ăn uống người bệnh tiểu đường hay mắc khiến bệnh nặng hơn tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].