5 sai lầm người bị bệnh tiểu đường hay mắc phải khiến bệnh nghiêm trọng

Người bệnh tiểu đường mắc một số sai lầm trong quá trình điều trị, sinh hoạt, ăn uống có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng. Dưới đây là các sai lầm bệnh nhân tiểu đường cần tránh.

Người bệnh tiểu đường là nhóm có nguy cơ phải đối mặt với nhiều biến chứng nghiêm trọng gây tử vong như biến chứng não, tim mạch, thận, thần kinh, mắt, nhiễm trùng…

Điều đáng nói là nhiều bệnh nhân bị biến chứng do mắc phải những lỗi sai cơ bản trong quá trình điều trị, sinh hoạt và ăn uống. 

Dưới đây là các sai lầm thường gặp:

Thứ nhất, dùng thuốc điều trị bệnh sai cách

Việc dùng thuốc đúng cách để kiểm soát đường huyết và phòng ngừa biến chứng là rất quan trọng với người bệnh tiểu đường. Thế nhưng sai lầm trong cách dùng thuốc lại là sai lầm phổ biến.

Dùng đơn thuốc điều trị bệnh tiểu đường của người khác

Vì ngại đi khám trực tiếp nên nhiều người dùng đơn thuốc tiểu đường của người quen hoặc người thân.

Theo bác sĩ, không thể sử dụng đơn thuốc của người này cho người kia vì mỗi người bệnh có một thể trạng, khả năng đáp ứng với thuốc điều trị, các bệnh lý đi kèm nếu có cũng khác nhau.

Việc sử dụng đơn thuốc của người khác có thể khiến bệnh biến chứng, suy gan, suy thận. 

Do đó, bệnh nhân tiểu đường cần trực tiếp thăm khám và theo dõi bệnh tình thường xuyên với bác sĩ, đồng thời tuân thủ đúng liệu trình dùng thuốc để có kết quả tốt nhất.

Dùng đơn thuốc điều trị bệnh tiểu đường của người khác là sai lầm thường gặp của bệnh nhân tiểu đường.

Dùng đơn thuốc điều trị bệnh tiểu đường của người khác là sai lầm thường gặp của bệnh nhân tiểu đường.

Bỏ hẳn thuốc Tây, chuyển qua dùng thuốc nam, Đông y hoặc thực phẩm chức năng

Sai lầm mà nhiều người bệnh mắc phải hiện nay là thường cho rằng thuốc Tây không thể điều trị bệnh tận gốc và có nhiều tác dụng phụ. Bệnh nhân có xu hướng bỏ thuốc Tây, chuyển sang sử dụng các phương pháp khác như thuốc Nam, Đông y, thậm chí là các phương pháp truyền miệng chưa rõ nguồn gốc.

Điều này có thể khiến bệnh tình trở nặng, gây ra các biến chứng về mắt, thận, tim mạch, biến chứng bàn chân và nhiều biến chứng khác, có nguy cơ dẫn đến tử vong.

Tự ý thay đổi liều lượng thuốc hoặc bỏ dùng thuốc

Nhiều người khi thấy đường huyết ổn định một thời gian thường có tâm lý lơ là việc uống thuốc, uống “bữa đực bữa cái” hoặc tự ý giảm liều, thậm chí bỏ dùng thuốc hoàn toàn. Điều này rất nguy hiểm, có thể khiến đường huyết trong cơ thể tăng cao, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng.

Mặt khác, lại có những người quá nôn nóng, lo lắng về đường huyết tăng cao mà tăng liều thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ. Tăng liều lượng thuốc có thể khiến đường huyết giảm quá nhanh gây ra hạ đường huyết, làm người bệnh ngất xỉu hoặc hôn mê. Đồng thời, điều này cũng làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc.

Thứ hai, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, thiếu cân đối

Nhiều người bệnh cho rằng khi bị tiểu đường thì nên kiêng hoàn toàn các thực phẩm chứa đường và tinh bột, vì khi được đưa vào cơ thể, chúng sẽ chuyển hóa thành glucose, làm tăng lượng đường trong máu, gây mất kiểm soát đường huyết.

Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm. Bác sĩ khuyên người bệnh đái tháo đường nên xây dựng và duy trì chế độ ăn cân đối, đầy đủ chất, bao gồm: tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

Về lượng tinh bột nên nạp vào cơ thể hàng ngày, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ để được tư vấn mức phù hợp, tránh tiêu thụ quá mức gây tăng đường huyết.

Thứ ba, theo dõi đường huyết không đúng cách

Không kiểm tra đường máu sau ăn

Trên 90% số bệnh nhân đái tháo đường điều trị ngoại trú không hề kiểm tra đường máu sau khi ăn. Rất nhiều người than phiền tại sao đường máu của họ tương đối tốt nhưng vẫn bị nhiều biến chứng. Lý do là vì họ quên kiểm tra đường máu sau ăn mà theo các nghiên cứu, tăng đường máu sau khi ăn có nguy cơ gây biến chứng tim mạch nhiều hơn tăng đường máu lúc đói.

 Nhiều bệnh nhân theo dõi đường huyết không đúng cách

Nhiều bệnh nhân theo dõi đường huyết không đúng cách

Không thử đường máu lúc bị đói

Theo phản xạ thì các bệnh nhân tiểu đường khi có cảm giác đói sẽ nghĩ ngay đó là do hạ đường máu và ăn ngay.

Tuy nhiên trong nhiều trường hợp đó là hiện tượng “ đói giả tạo”, hay xảy ra ở những người có đường máu cao trong thời gian dài, và khi được điều trị đưa đường máu xuống gần mức bình thường thì họ có cảm giác như bị hạ đường máu thực sự nhưng thường ở mức nhẹ (đói, cồn cào). Để phát hiện chính xác trường hợp này thì người bệnh nên đo đường máu trước khi quyết định có cần ăn thêm hay không.

Trên thực tế, cả hai chỉ số đường huyết lúc đói và sau khi ăn đều có ý nghĩa quan trọng và người bệnh cần theo dõi, kiểm soát chúng.

Thứ tư, chỉ điều trị tiểu đường mà không dùng các loại thuốc khác

Theo các nghiên cứu, rất nhiều bệnh nhân tiểu đường có kèm theo tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, rối loạn đông máu,… và có tới 70-80% các bệnh nhân bị tử vong do các biến chứng tim mạch (nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não). Vì vậy nếu chỉ kiểm soát tốt đường máu mà không kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch khác là vô nghĩa.

Thứ năm, không luyện tập thể dục, thể thao vì lo sợ hạ đường huyết

Một số người bệnh cho rằng nên hạn chế việc luyện tập thể dục, thể thao vì có thể gây hạ đường huyết. Tuy nhiên, tập luyện thường xuyên, điều độ với các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga lại giúp người bệnh tiểu đường duy trì cân nặng ổn định, cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết và tăng hiệu quả sử dụng insulin của cơ thể.

Không những thế, tập thể dục còn giúp tinh thần thoải mái, cơ thể sảng khoái, dẻo dai hơn. Điều này rất hữu ích trong quá trình điều trị tiểu đường.

V.Linh

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính