Mới đây, khoa Chống độc BV Hữu nghị đa khoa Nghệ An đã tiếp nhận 5 người trong gia đình chị H.T.T (43 tuổi, ở huyện Yên Thành, Nghệ An) phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc nấm.
Theo lời kể của chị T., trên đường đi làm về, chị thấy bụi nấm mọc ven đường trông rất ngon, giống với loại bán ngoài chợ nên hái về nấu ăn.
Nhưng, sau khi ăn khoảng từ 15 đến 30 phút, cả gia đình chị gồm hai vợ chồng và 3 người con trai đều xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn dữ dội.
Ngay sau đó, 5 người trong gia đình chị T. đã được người dân đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời. Sau khi điều trị tích cực, sức khỏe của 5 bệnh nhân được cải thiện và xuất viện.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), qua số liệu giám sát ngộ độc và yếu tố dịch tễ cho thấy, hàng năm vào thời điểm mùa Xuân và đầu mùa Hè đặc biệt là tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thường xảy ra các vụ ngộ độc do người dân sử dụng các thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, hoa quả rừng, cây rừng..), trong đó đã có những trường hợp tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề cho những người bị ngộ độc dù đã được cứu chữa kịp thời.
Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên đặc biệt là ngộ độc nấm và các loại hoa quả rừng…, Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản chỉ đạo cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm của các địa phương tăng cường công tác phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên gây ra.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của các địa phương phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn tăng cường giám sát, triển khai các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm trong sử dụng, tiêu dùng sản phẩm nông sản, sử dụng các loại nấm, cây, củ quả rừng tự nhiên làm thực phẩm, đặc biệt đối với các đối tượng nguy cơ cao hoặc đặc điểm vùng miền (dễ xảy ra ngộ độc nấm, hoa quả rừng).
Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên cho cộng đồng, khuyến cáo người dân không sử dung các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc ̣ như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ...; chú ý hướng dẫn biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương.
Đồng thời, hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc.
An AnBạn đang xem bài viết Vì sao mùa xuân dễ bị ngộ độc nấm, hoa quả rừng? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].