Các nhà nghiên cứu tại Đại học Bang Michigan đã phát hiện ra rằng ong mật có thể phát hiện các hóa chất liên quan đến ung thư phổi trong hơi thở của người.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Biosensors and Bioelectronics (tạm dịch: Cảm biến và Điện tử sinh học), ong mật có thể đánh hơi được các dấu ấn sinh học của ung thư phổi ở người với tỷ lệ thành công lên tới 82%.
Các tác giả của nghiên cứu cho biết: "Những kết quả này cho thấy hệ thống khứu giác của ong mật có thể được sử dụng như một cảm biến khí sinh học nhạy bén để phát hiện ung thư phổi ở người."
Giáo sư Debajit Saha thuộc Đại học Bang Michigan chia sẻ trong một thông cáo báo chí của trường: "Côn trùng có khứu giác tuyệt vời giống như loài chó."
Phó Giáo sư Saha tại ĐH Bang Michigan đã nghiên cứu xem liệu ong mật có thể phân biệt các hóa chất trong hơi thở của người khỏe mạnh với người mắc bệnh ung thư phổi hay không.
Nhóm của ông đã phát triển "công thức" cho hỗn hợp hơi thở tổng hợp chứa 6 hợp chất có trong hơi thở của người bị ung thư và hỗn hợp hơi thở tổng hợp của người khoẻ mạnh.
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm hỗn hợp hơi thở tổng hợp của người bệnh ung thư phổi với hơi thở của người khỏe mạnh trên khoảng 20 con ong.
Họ mang cho mỗi con ong một thiết bị đeo in 3D và gắn một điện cực nhỏ vào não của chúng để đo hoạt động.
Saha nói: "Chúng tôi đưa những mùi này vào ăng-ten (antenna) của ong mật và ghi lại các tín hiệu thần kinh từ não của chúng. Chúng tôi nhận thấy sự thay đổi trong phản ứng xung điện thần kinh của ong mật."
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ong mật có thể phát hiện các hợp chất chỉ điểm ung thư ngay cả với lượng nhỏ.
Saha nói: "Ong mật phát hiện được nồng độ rất nhỏ; đó là một kết quả rất đáng chú ý. Chúng có thể phân biệt giữa những thay đổi nhỏ trong nồng độ hóa học của hỗn hợp hơi thở, ở mức một phần tỷ."
Loài ong mật cũng có thể phân biệt hơi thở tổng hợp của bệnh nhân ung thư phổi và người khỏe mạnh.
Các nhà khoa học hy vọng nghiên cứu này sẽ dẫn tới việc phát triển một cảm biến dựa trên não của ong mật, có thể được sử dụng để kiểm tra hơi thở của người nhằm phát hiện ung thư phổi.
Autumn McLane-Svoboda, một sinh viên cao học trong nhóm của Saha cho biết: "Điều tuyệt vời là khả năng của ong mật không chỉ phát hiện tế bào ung thư mà còn phân biệt giữa các dòng tế bào của các loại ung thư phổi khác nhau. Điều này có ý nghĩa to lớn trong tương lai, vì cảm biến của chúng có thể cho phép bệnh nhân nhận được chẩn đoán ung thư cụ thể một cách nhanh chóng, điều cần thiết để lựa chọn phương pháp điều trị chính xác."
Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong do ung thư hàng đầu trên toàn thế giới. Quỹ nghiên cứu Ung thư phổi ước tính năm 2024, 235.580 người sẽ được chẩn đoán mắc ung thư phổi tại Mỹ.
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư phổi và chiếm 80% số ca tử vong do ung thư phổi.
Phát hiện sớm ung thư phổi có thể giảm tới 20% tỷ lệ tử vong.
Xem toàn bộ nghiên cứu tại đây: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0956566324004718
(Theo Fox News)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Nghiên cứu: Ong mật có thể phát hiện ung thư phổi tại chuyên mục Các bệnh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].