Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu trong 15 năm từ Bệnh viện Đại học Augsburg và phát hiện ra rằng nguy cơ đột quỵ tăng 7% sau những đêm cực nóng, được gọi là đêm nhiệt đới.
Nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết của các chiến lược thích ứng và điều chỉnh quy hoạch đô thị để giảm thiểu tác động của nhiệt độ cao ban đêm với sức khỏe cộng đồng.
Nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Alexandra Schneider - trưởng nhóm Rủi ro Môi trường tại Viện nghiên cứu Helmholtz Munich - dẫn đầu đã điều tra tác động của nhiệt độ ban đêm đến nguy cơ đột quỵ.
“Chúng tôi muốn hiểu mức độ nhiệt độ ban đêm cao gây ra rủi ro cho sức khỏe như thế nào. Điều này quan trọng vì biến đổi khí hậu đang làm tăng nhiệt độ ban đêm nhanh hơn nhiều so với nhiệt độ ban ngày", ông nói.
Phân tích dữ liệu của 11.000 ca đột quỵ trong 15 năm
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của khoảng 11.000 ca đột quỵ trong 15 năm từ Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Augsburg.
Phân tích cho thấy nhiệt độ cực cao vào ban đêm làm tăng 7% nguy cơ đột quỵ.
“Người cao tuổi và phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh đặc biệt cao, và chủ yếu là các cơn đột quỵ với các triệu chứng nhẹ được chẩn đoán tại các phòng khám sau những đêm nóng,” Tiến sĩ Cheng He, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rõ ràng việc điều chỉnh quy hoạch đô thị và hệ thống chăm sóc sức khỏe là cực kỳ quan trọng để giảm thiểu những rủi ro do nhiệt độ cao ban đêm".
Điều này càng đúng khi nguy cơ đột quỵ liên quan đến nhiệt độ ban đêm cao đã tăng đáng kể trong giai đoạn 2013 - 2020 so với giai đoạn 2006 - 2012, giáo sư Michael Ertl, Trưởng khoa Đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Đại học Augsburg nhấn mạnh.
Từ năm 2006 - 2012, những đêm nóng bức đã gây ra thêm 2 ca đột quỵ mỗi năm trong vùng nghiên cứu; còn từ năm 2013 - 2020, con số này tăng lên thêm 33 ca mỗi năm.
Khuyến nghị về chiến lược thích ứng và quy hoạch đô thị
Nhóm nghiên cứu dự định ứng dụng những phát hiện này vào thực tế. Để làm điều đó, họ đang nghiên cứu các khuyến nghị về chiến lược thích ứng và quy hoạch đô thị, chẳng hạn như giảm cường độ của hiệu ứng đảo nhiệt đô thị.
Đảo nhiệt đô thị (tiếng Anh: Urban heat island) là một khu vực đô thị ấm hơn đáng kể so với các khu vực ngoại ô xung quanh.
Nguyên nhân chính của đảo nhiệt đô thị là sự thay đổi bề mặt sử dụng đất trong quá trình phát triển đô thị. Quá trình này sử dụng nhiều loại vật liệu có tác dụng giữ nhiệt hiệu quả.
Nhân tố thứ hai góp phần tạo ra đảo nhiệt đô thị là lượng nhiệt thải ra do quá trình sử dụng năng lượng.
Mục đích là bảo vệ dân cư khỏi tác động của nhiệt độ cao ban đêm. tốt hơn. Nghiên cứu này cũng sẽ là cơ sở cho các nghiên cứu sâu hơn nhằm phát triển các biện pháp phòng ngừa đột quỵ.
Kết quả nghiên cứu cũng có ý nghĩa quan trọng đối với các bệnh viện để thích ứng tốt hơn với tần suất đột quỵ trong tương lai: Nếu dự báo thời tiết dự đoán một đêm nóng bức, có thể dự kiến sẽ có nhiều ca nhập viện hơn.
Điều này cho phép các bệnh viện bố trí thêm nhân viên để chăm sóc bệnh nhân như một biện pháp phòng ngừa.
Đêm nhiệt đới là gì?
"Đêm nhiệt đới" được định nghĩa bằng cách sử dụng chỉ số HNE (Hot Night Excess Index, tạm dịch: Chỉ số đêm nóng vượt mức).
Chỉ số này đo mức tăng nhiệt độ vào ban đêm so với một giá trị ngưỡng nhất định. Giá trị ngưỡng là nhiệt độ chỉ bị vượt quá trong 5% đêm nóng nhất trong toàn bộ thời gian nghiên cứu.
Trong nghiên cứu này, giá trị ngưỡng là 14,6 độ C. Nếu nhiệt độ tăng trên giá trị này vào ban đêm thì được phân loại là đêm nhiệt đới.
Chỉ số HNE tính tổng số độ C vượt quá ngưỡng này vào ban đêm để xác định cường độ nóng bức.
Xem toàn bộ nghiên cứu tại đây: https://academic.oup.com/eurheartj/advance-article/doi/10.1093/eurheartj/ehae277/7676519
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Nghiên cứu mới: Ban đêm nóng bức làm tăng nguy cơ đột quỵ tại chuyên mục Các bệnh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].