Báo Điện tử Gia đình Mới

2 lý do vì sao nguy cơ đột quỵ gia tăng chủ yếu ở người trẻ

Theo một báo cáo mới từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), số ca đột quỵ ở người trẻ đang gia tăng.

Báo cáo của CDC cho thấy, trong 10 năm trở lại đây, nguy cơ đột quỵ đã tăng lên ở người dưới 65 tuổi. Trong khi đó, tỷ lệ đột quỵ ở người từ 65 tuổi trở lên tại Mỹ dù vẫn cao nhất, song vẫn giữ ở mức ổn định.

Đối với người trẻ, nguy cơ đột quỵ nhìn chung vẫn ở mức tương đối thấp, nhưng nguy cơ đó đã gia tăng trong những năm gần đây. Sự gia tăng tỷ lệ đột quỵ này đi kèm với sự gia tăng béo phì và tăng huyết áp trong cùng nhóm tuổi. Những tình trạng này đều liên quan đến việc tăng nguy cơ đột quỵ.

Tiến sĩ Gregory W. Albers, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Stanford tại Trung tâm Y tế Stanford, cho biết: "Báo cáo này rất đáng lo ngại vì tỷ lệ đột quỵ ở dân số trẻ đang tăng lên. Nó cũng lưu ý rằng tỷ lệ béo phì và tăng huyết áp đã tăng ở những người trẻ tuổi. Đây là một dấu hiệu không tốt".

Tỷ lệ mắc bệnh giữa những người thuộc một số nhóm chủng tộc và sắc tộc nhất định, vùng địa lý và trình độ học vấn thấp hơn cũng là lời nhắc nhở rõ ràng về những bất cập trong giáo dục và phòng ngừa về đột quỵ còn tồn đọng.

1. Đột quỵ gia tăng ở người trẻ tuổi

dot quy o nguoi tre

So sánh dữ liệu về sức khỏe từ giai đoạn 2011-2013 và 2020-2022, các nhà nghiên cứu tại CDC nhận thấy tỷ lệ mắc đột quỵ tăng gần 8%. Tuy nhiên, sự gia tăng không được phân bổ đồng đều giữa tất cả các nhóm tuổi, giới tính và tình trạng kinh tế xã hội.

Cụ thể, người trẻ có tỷ lệ đột quỵ tăng vọt. Tỷ lệ mắc đột quỵ tăng 14,6% ở nhóm tuổi từ 18-44; và tăng 15,7% đối với nhóm tuổi 45-64.

Tuổi là một yếu tố nguy cơ chính của đột quỵ và tuổi trung bình của người bị đột quỵ là độ tuổi 70, điều này khiến báo cáo mới nhất của CDC về việc đột quỵ ở người trẻ càng đáng lo ngại.

Tổng tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ trong cả 2 nhóm tuổi 18-44 (0,9%) và 45-64 tuổi (3,8%) vẫn thấp hơn so với nhóm 65 tuổi trở lên (7,7%). Tuy nhiên, tỷ lệ đột quỵ ở người cao tuổi Mỹ đã giảm xuống, trong khi ở người trẻ tuổi vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt là ở độ tuổi trung niên.

Tỷ lệ đột quỵ tự báo cáo trên toàn nước Mỹ là 2,9%.

Empty

Mặc dù không có nguyên nhân đơn lẻ rõ ràng cho sự gia tăng số ca đột quỵ ở nhóm người trẻ tuổi, nhưng các yếu tố nguy cơ cộng hưởng như béo phìtăng huyết áp có thể góp phần vào điều này.

Theo báo cáo mới của CDC, giữa năm 1999-2000 và 2017-2018, số người bị tăng huyết áp đã tăng hơn 6% ở những người trưởng thành trong độ tuổi từ 45-64.

Tiến sĩ Matthew S. Schrag, Bác sĩ Thần kinh Mạch máu và Giáo sư Thần kinh học tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, cho biết: "Khi bạn xem xét mọi nghiên cứu dịch tễ học trên toàn thế giới, mọi lục địa trên hành tinh này, mọi nhóm nhân khẩu học, thì điều nổi bật như một yếu tố nguy cơ đột quỵ hơn bất kỳ yếu tố nào khác chính là tăng huyết áp."

2. Ai có nguy cơ bị đột quỵ cao nhất?

Báo cáo cũng ghi nhận một số phát hiện quan trọng dựa trên chủng tộc và sắc tộc, địa lý và trình độ học vấn.

Về chủng tộc và sắc tộc: Đột quỵ phổ biến nhất ở người Mỹ Bản địa/Alaska (5,3%), tiếp theo là người Hawaii/đảo Thái Bình Dương (4,4%) và người da đen (4,3%). Trong khi đó, tỷ lệ này thấp nhất ở người châu Á (1,5%). Trong giai đoạn giám sát, tỷ lệ mắc đột quỵ ở người da đen (7,8%), da trắng (7,2%) và người gốc Tây Ban Nha (16,1%) đã tăng.

Về địa lý: Mười tiểu bang (chủ yếu ở miền nam) gia tăng tỷ lệ đột quỵ. Vùng này được gọi là "vành đai đột quỵ" - một cụm các tiểu bang có tỷ lệ tử vong do đột quỵ cao hơn phần còn lại của Mỹ.

Về trình độ học vấn: Người lớn có trình độ học vấn dưới trung học phổ thông gia tăng tỷ lệ mắc đột quỵ cao nhất: 18,2%. Theo TS Anbers, những người có trình độ học vấn cao thường nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc kiểm soát bệnh tăng huyết áp, ngay cả khi không có triệu chứng. Người học vấn cao cũng thường được tiếp cận dịch vụ y tế, bảo hiểm, thuốc tốt hơn.

3. Phòng ngừa đột quỵ

Empty

Tiến sĩ Omoye Imoisili, Nghiên cứu viên tại Phân khoa Bệnh tim và Phòng ngừa Đột quỵ của CDC, tác giả của báo cáo, cho biết có vô số thay đổi về sức khỏe và lối sống có thể giúp bạn ngăn ngừa đột quỵ:

"Hãy giảm nguy cơ đột quỵ bằng cách kiểm soát sức khỏe của bạn. Các bước và chiến lược phòng ngừa bao gồm những thói quen lành mạnh mà bạn có thể tự thực hiện và cũng có sự hỗ trợ của đội ngũ y tế. Bao gồm lựa chọn thực phẩm và đồ uống lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc, hạn chế rượu bia và kiểm soát huyết áp."

4. Kết luận

Tỷ lệ mắc đột quỵ đã tăng ở người trẻ tuổi (18-44 tuổi) và người trung niên (45-64 tuổi), nhưng không tăng ở người cao tuổi (65 tuổi trở lên) trong 10 năm qua.

Sự gia tăng các yếu tố nguy cơ ở người trưởng thành dưới 65 tuổi, bao gồm béo phì và tăng huyết áp, có thể là một phần của vấn đề.

Bạn có thể giảm thiểu nguy cơ đột quỵ thông qua những thay đổi lối sống như kiểm soát bệnh tăng huyết áp, tập thể dục và bỏ hút thuốc.

(Theo Healthline)

Hoàng Nguyên/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO