PGS.TS Nguyễn Văn Huệ, Nguyên Viện phó Viện Bỏng quốc gia cho biết, do axit có thể phản ứng với các protein trên cơ thể bao gồm: da, móng tay, chân, tóc… nên khi tiếp xúc, axit nhanh chóng làm vón đông các protein trên da và hút nước của tế bào, gây ra những tổn thương nặng nề.
Vì có đặc tính hút nước cực mạnh nên khi bị tạt axit, không chỉ bề mặt da, mà ngay cả những bộ phận chứa sụn như tai, mũi khi tiếp xúc với axit cũng sẽ bị axit hút cạn kiệt nước, phá hủy sụn từ ngoài vào trong.
Và nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời, người bị tạt axit sẽ bị biến dạng khuôn mặt, hỏng mắt, mũi, tai, miệng… gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, thẩm mỹ.
Cách sơ cứu khi bị tạt axit
Theo TS.BS Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, mức độ tổn thương do axit gây ra phụ thuộc vào nồng độ axit, thời gian và loại axit tiếp xúc lên bề mặt da.
Nếu loại axit càng đậm đặc, diện tích tiếp xúc rộng, thời gian để lâu thì những biến chứng xảy ra càng nghiêm trọng, thậm chí sẽ dẫn đến hoại tử vùng da bị tổn thương, khó có khả năng phục hồi như ban đầu.
Để hạn chế tối đa những tổn thương do axit gây ra, bác sĩ Thành khuyến cáo người dân cần sơ cứu đúng cách, nhanh chóng cho nạn nhân.
Nếu chẳng may bị bỏng axit cần lập tức rửa vùng da bị tổn thương dưới vòi nước sạch khoảng 30 phút. Cần lưu ý không để nước rửa chảy lan sang các vùng khác trên da.
Bởi khi rửa chúng ta đang hòa loãng axit, nước rửa vết thương khi đó trở thành axit loãng, nếu chảy lan sang các vùng da khác và sẽ làm bỏng diện rộng. Nguy hiểm hơn nếu chảy vào mắt, tai, mũi, miệng… sẽ gây hỏng các giác quan.
Đặc biệt, không nên nhúng vùng tổn thương do axit vào chậu nước vì cách làm này sẽ làm tổn thương lan rộng hơn do lượng nước nhỏ trong chậu khi nhúng vùng tổn thương vào đã trở thành một chậu dung dịch axit loãng, sẽ gây bỏng toàn bộ vùng da được nhúng vào chậu nước.
Nhưng với axit dạng bột lại không được rửa bằng nước sạch ngay, mà cần làm sạch bằng cách phủi, lau khô, sau đó mới rửa dưới vòi nước sạch. Vì nếu rửa ngay axit bột bằng nước sẽ làm tạo thành hỗn hợp axit gây bỏng diện rộng.
Tuyệt đối không được chà sát mạnh, kỳ cọ trên da bị dính axit. Đối với trường hợp bị axit bắn vào mắt, cần trấn tĩnh người bị nạn, tránh để họ dụi mắt và dùng nước sạch rửa sạch mắt khỏi bị tổn thương bởi axit rồi nhanh chóng đưa nạn nhân tới bệnh viện.
Các bác sĩ khuyến cáo thêm, khi bị bỏng axit, để tránh những biến chứng nguy hiểm, cần tuyệt đối không được chữa bằng mẹo, cũng không nên bôi mỡ, kem đánh răng, đắp lá cây, thuốc nam hay các dung dịch khác lên da. Vì làm như vậy sẽ làm vết thương thêm nặng và dễ xảy ra biến chứng, nhiễm trùng.
Lê MinhBạn đang xem bài viết Nếu bị tạt axit phải làm gì ngay để tránh nguy hiểm đến tính mạng? tại chuyên mục Y tế 24h của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].