Theo Bộ GD&ĐT, về cơ bản, tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo sẽ giữ ổn định như năm 2022. Tuy nhiên, có 1 số điểm mới mà thí sinh nên lưu ý.
Thứ nhất, bỏ bớt các phương thức xét tuyển 'gây nhiễu'
Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, trên thực tế, năm 2022 có tới 20 mã phương thức xét tuyển đại học. Trong đó phương thức thứ 20 để tên là "Sử dụng phương thức khác", tức là số phương thức thực tế các trường đề ra để tuyển sinh có thể nhiều hơn.
Việc có quá nhiều phương thức tuyển sinh khiến thí sinh có nhiều phương án lựa chọn trong xét tuyển, nhưng cũng có ý kiến cho rằng “đánh đố học sinh”, khiến các em bối rối khi lựa chọn.
Do đó, trên cơ sở các số liệu về tuyển sinh năm 2022, để hệ thống hoạt động ổn định trong các năm tiếp theo, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự chủ trong tuyển sinh của các cơ sở đào tạo, Bộ GDĐT sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo phân tích, đánh giá hiệu quả của từng phương thức tuyển sinh để lựa chọn và sử dụng một số phương thức nhất định, không sử dụng các phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.
Từ thực tế mùa tuyển sinh 2022 có đến 30% thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm đăng ký theo nguyện vọng khác nguyện vọng 1, vì vậy Bộ GDĐT sẽ rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh. Trong đó có thể xem xét khuyến cáo các trường đại học không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022.
Tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT (tuyển sinh đợt 1).
Thứ hai, thay đổi việc tính điểm cộng trong chính sách ưu tiên
Ngoài các điểm mới nêu trên, Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh một điểm mới sẽ thực hiện từ năm 2023, là thay đổi chính sách cộng điểm ưu tiên.
Điểm mới này đã được quy định trong quy chế tuyển sinh mà Bộ GDĐT ban hành hồi tháng 6.2022 và chính thức áp dụng trong mùa tuyển sinh năm 2023.
Theo đó, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau:
Điểm ưu tiên = [(30 – Tổng điểm đạt được)/7,5] × Mức điểm ưu tiên quy định tại khoản 1, 2 điều 8.
Với công thức này, thí sinh đạt từ 22,5 điểm trở lên thì điểm ưu tiên sẽ được giảm dần đều cho đến khi điểm thi là 30 điểm thì điểm ưu tiên sẽ bằng 0. Với điểm mới này sẽ hạn chế tình trạng điểm chuẩn “vượt chuẩn”, trên 30 điểm/3 môn vẫn có thể trượt đại học như đã xảy ra những năm trước.
V.LinhBạn đang xem bài viết Năm 2023, xét tuyển Đại học có 2 điểm mới thí sinh cần lưu ý tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].