Bộ Y tế cho biết, 6 tháng đầu năm 2021 Việt Nam mới nhận được gần 3,9 triệu liều vắc xin COVID-19. Tháng 7 dự kiến sẽ tiếp nhận gần 8,9 triệu liều vắc xin nữa.
Tại Việt Nam, cho đến ngày 14/7/2021, tổng số mũi tiêm đã thực hiện là hơn 4 triệu, trong đó số người được tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca là trên 3,7 triệu người, số người được tiêm đủ 2 mũi vắc xin AstraZeneca là hơn 280.000 người.
Trước tình hình vắc-xin COVID-19 khan hiếm, những người đã được tiêm mũi 1 vắc-xin AstraZeneca băn khoăn về việc tiêm mũi 2 như thế nào, liệu có được tiêm trong khoảng thời gian quy định để vắc-xin có hiệu lực? Nếu vắc-xin AstraZeneca khan hiếm thì mũi 1 tiêm AstraZeneca thì mũi 2 có tiêm được Pfizer không?
Về vấn đề này GS.TS. Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết: Hiện nay, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và của các nhà sản xuất thì tốt nhất là mỗi người cần tiêm đủ liều của cùng 1 loại vắc xin phòng COVID-19. Hướng dẫn của các nhà sản xuất vắc xin đều khuyến cáo sử dụng cùng một loại vắc xin phòng COVID-19 để tiêm đủ liều cho một đối tượng.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong bối cảnh nguồn cung vắc xin phòng COVID-19 rất hạn chế, việc tiếp cận nguồn cung để có đủ vắc xin tiêm mũi 2 ngay khi đến lịch tiêm cho các đối tượng đã được tiêm mũi 1 của cùng 1 loại vắc xin là rất khó khăn.
Một số quốc gia đã xem xét và triển khai tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca và tiêm mũi 2 bằng vắc xin của Pfizer. Theo ghi nhận nhanh tại các quốc gia này, việc triển khai tiêm chủng 2 mũi vắc xin khác loại như trên cho cùng một đối tượng vẫn có hiệu lực bảo vệ phòng COVID-19. Tuy nhiên, khi tiêm hai loại vắc xin AstraZeneca và Pfizer có ghi nhận gia tăng một số phản ứng thông thường sau tiêm chủng.
Bộ Y tế đã có hướng dẫn cho các địa phương như sau: “Trường hợp số lượng vắc xin hạn chế thì ưu tiên sử dụng vắc xin của Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vắc xin AstraZeneca từ 8- 12 tuần nếu người được tiêm chủng đồng ý”.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã rất nỗ lực trong việc tìm nguồn cung ứng vắc xin phòng COVID-19 để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trong nước.
Trong thời gian tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phân bổ các loại vắc xin phòng COVID-19 của AztraZenneca, Pfizer, Morderna, Sinopharm… để tổ chức tiêm chủng theo chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19, hướng tới mục tiêu đạt được độ bao phủ vắc xin cho hơn 70% người dân.
Bộ Y tế vừa có quyết định phân bổ hơn 746.000 liều vắc xin của Pfizer dự kiến về trong tháng 7/2021.
Đây là số vắc xin Pfizer sẽ về Việt Nam trong 4 đợt. Trong đó, đợt 1 và 2 có 97.110 liều/đợt, đợt 3 có gần 228.00 liều, đợt 4 có hơn 325.200 liều.
Sáng 7/7, lô vắc xin Pfizer đầu tiên (gồm 97.110 liều) đã về đến Việt Nam.
Trong số 63 tỉnh, thành thì TPHCM là đơn vị được phân bổ nhiều nhất với gần 55.000 liều. Đồng Nai và Bình Dương, mỗi địa phương cũng được phân 25.740 liều vắc xin. TP Hà Nội cũng sẽ có hơn 38.800 liều.
Tại TPHCM, BV Chợ Rẫy cũng sẽ được phân bổ 14.040 liều, BV Thống nhất: 11.700 liều, BV Đại học Y dược TPHCM: 14.040 liều, Viện Pasteur TPHCM: hơn 10.500 liều.
Tại Hà Nội, BV Bạch Mai, BV Phổi Trung ương: hơn 15.200 liều mỗi BV, BV Nhi Trung ương: hơn 14.000 liều, BV E: 12.870 liều, BV Hữu nghị Việt Đức: 12.870 liều, BV Hữu Nghị: hơn 9.300 liều…
Lực lượng quân đội được phân 35.100 liều, lực lượng công an là 43.290 liều.
V.LinhBạn đang xem bài viết Mũi 1 tiêm vắc-xin AstraZeneca, mũi 2 có thể tiêm vắc-xin tiêm Pfizer không? tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].