Sở Y tế TP.HCM vừa ban hành Công văn số 8095 hướng dẫn tạm thời phương án phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở, kinh doanh, khu công nghiệp.
Công văn hướng dẫn rất cụ thể các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp, quy trình xử lý khi phát hiện người nhiễm COVID-19 tại doanh nghiệp, vai trò của Tổ y tế trong phòng chống dịch COVID-19...
Trong các nội dung của công văn, đáng chú ý là các hướng dẫn đối với việc phòng chống và phát hiện F0 trong doanh nghiệp.
Thứ nhất, các doanh nghiệp phảo theo dõi sức khỏe hàng ngày của người lao động (qua khai báo y tế, đo thân nhiệt, giám sát sức khỏe người lao động trong quá trình làm việc), thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho người lao động tại đơn vị ngay khi phát hiện có triệu chứng hoặc ghi nhận có yếu tố dịch tễ liên quan.
Tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên cho người có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao theo các hướng dẫn cụ thể của ngành y tế trong từng giai đoạn dịch
Lưu ý: Không thực hiện xét nghiệm đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh; chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ hoặc trường hợp người lao động đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).
Thứ hai, khi phát hiện F0 trong doanh nghiệp, tạm thời cách ly F0 ở buồng cách ly hoặc khu vực cách ly của đơn vị và Tổ y tế của doanh nghiệp liên hệ ngay cơ quan y tế của địa phương để được hỗ trợ.
Sau đó, đánh giá tình trạng sức khỏe của F0 để có hướng xử lý tiếp theo.
Thứ ba, xác định F1: Là người tiếp xúc gần với F0 ở khoảng cách dưới 2m trong thời gian trên 15 phút như làm việc cạnh F0 trong dây chuyền sản xuất, ngồi cùng bàn ăn, ngồi cùng bàn trong cùng phòng làm việc ... Tiến hành xét nghiệm bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên (mẫu gộp không quá 3 người).
Doanh nghiệp theo dõi F1:
+ Trường hợp cơ sở sản xuất có ≥ 80% người lao động tiêm chủng đầy đủ: tất cả F1 được tiếp tục lao động, xét nghiệm lại vào ngày 3, 7 và tiếp tục mỗi 7 ngày cho đến khi không còn phát hiện F0; khai báo sức khỏe mỗi ngày và xét nghiệm ngay khi có triệu chứng;
Thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho người ở cùng nhà nhất là người có nguy cơ cao (người trên 65 tuổi, người trên 50 tuổi có bệnh nền, người béo phì có BMI >25, phụ nữ mang thai và sau sinh 2 tuần); hạn chế tối đa giao tiếp với bên ngoài cho đến khi kết thúc thời gian theo dõi.
+ Trường hợp cơ sở sản xuất có < 80% người lao động tiêm chủng đầy đủ:
• Đối với F1 chưa được tiêm vắc xin đầy đủ: cách ly 14 ngày tại nhà (nếu có đủ điều kiện) hoặc tại cơ sở cách ly; xét nghiệm lại vào ngày thứ 14.
• Đối với F1 đã tiêm vắc xin đầy đủ: xử lý như trường hợp F1 của cơ sở sản xuất có > 80% người lao động đã tiêm đủ vắc-xin.
Như vậy, điểm mới trong quy định của Sở Y tế TP.HCM là nếu doanh nghiệp có từ 80% trở lên lao động tiêm chủng đầy đủ thì tất cả các F1 vẫn được làm việc bình thường.
Nếu doanh nghiệp có tỷ lệ tiêm vắc-xin dưới 80% thì những F1 chưa tiêm đầy đủ phải cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung 14 ngày. F1 tiêm đầy đủ thì làm việc bình thường, xét nghiệm vào ngày 3,7 và tiếp tục mỗi 7 ngày cho đến khi không còn F0.
---
Thông tin tham khảo: Công văn số 8095 của Sở Y tế TP.HCM
V.LinhBạn đang xem bài viết Mới: TP.HCM cho phép lao động là F1 vẫn được đi làm trong các công ty, doanh nghiệp tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].