Chiều 7/9, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết, từ 23/8 đến nay, TP.HCM tích cực hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà và triển khai xét nghiệm diện rộng trên toàn thành phố, với mục tiêu tách F0 khỏi cộng đồng. Vì vậy hai tuần qua, số F0 tại thành phố tăng cao.
Số F0 tăng cao là do ngành y tế đẩy mạnh tách F0 cũng như hướng dẫn người dân tự lấy mẫu tại nhà. Trung bình mỗi ngày TP.HCM phát hiện khoảng 5.300 ca F0.
TP.HCM đã chuyển hướng tập trung hơn cho công tác điều trị ở tuyến cơ sở, xây dựng và ban hành Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0, trong đó bao gồm xây dựng các gói thuốc điều trị mẫu (gói A, B, C), giúp điều trị kịp thời cho các trường hợp F0 mới phát hiện, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong, từ đó giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến, đồng thời giúp giảm bớt sang chấn tâm lý cho người bệnh, góp phần nhanh chóng hồi phục.
Ngoài ra còn tăng cường công tác tư vấn, theo dõi F0 tại nhà từ xa qua các tổng đài 1022, các tổ y tế lưu động của các trường Y khoa.
Thành phố đã thành lập 471 trạm y tế lưu động (vượt chỉ tiêu đề ra là 400 trạm); tiếp tục phát huy hiệu quả ứng dụng quản lý thông tin giường bệnh và oxy cho bệnh nhân COVID-19 (trong hệ thống 3 tầng điều trị) để kịp thời điều chuyển, không để ùn ứ, nâng cao năng lực điều trị giữa các tầng.
Về nhân lực tham gia phòng, chống dịch, tính đến nay, TP.HCM có trên 177.300 người, trong đó, tiếp nhận trên 24.000 người từ các Bộ ngành tăng cường, hỗ trợ.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã cử 312 tổ công tác với trên 1.300 cán bộ, công chức, viên chức xuống tăng cường, hỗ trợ cho TP Thủ Đức và các quận, huyện tham gia phòng, chống dịch, trong đó lực lượng chủ yếu là lãnh đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc các sở, ban, ngành Thành phố.
An AnBạn đang xem bài viết Mỗi ngày TP.HCM phát hiện khoảng 5.300 ca F0 trong cộng đồng tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].