Bé Mon nhà mẹ Quảng Ninh trộm vía tăng cân đều đặn trong những tháng đầu khi chào đời, và là niềm hạnh phúc vô bờ của mẹ.
Nhưng quãng thời gian đó không kéo dài lâu, vì Mon lớn hơn một chút thì gặp vấn đề về giấc ngủ, các giấc ngủ đêm chập chờn, quấy khóc và rất dễ giật mình.
Đi tìm thông điệp con muốn nói qua giấc ngủ
Mẹ Hoàng Thùy nhanh chóng hiểu rằng không phải tự nhiên con gặp vấn đề về giấc ngủ, mà là do những nguyên nhân nào đó hoặc con đang có thông điệp gì cần nói. Và mẹ Thùy đã tìm ra được những thông điệp của con:
- Con khó khăn khi vào giấc: Nếu trước đây con ngủ ngon mà nay lại khó khăn khi vào giấc thì mẹ nên kiểm tra xem bỉm tã của con có bị ướt hay không? Hoặc thức ăn của con hôm đó có lạ, khiến dạ dày của con chưa quen. Đi ngủ với chiếc bụng ọc ạch có thể khiến con khó chịu, khó ngủ.
- Con đang ngủ thì giật mình, khóc thét: Khi giật mình, bé thường đột nhiên giơ 2 tay và 2 chân lên cao, duỗi căng rồi hạ xuống ngay lập tức. Hoặc con cũng có thể nháy mặt và đầu hơi giật giật sau đó thôi ngay. Khi giật mình thức giấc bé hốt hoảng, khó chịu và quấy khóc không ngừng khiến bố mẹ rất khó để cho con ngủ lại được.
- Con thường xuyên vặn mình khi ngủ: vặn vẹo, không yên khi ngủ là tình trạng nhiều trẻ đang gặp phải. Dấu hiệu này có thể nói lên rằng trẻ đang không “toàn tâm toàn ý” cho giấc ngủ vì có thể con gặp căng thẳng trong các hoạt động ban ngày, hoặc môi trường ngủ của con quá ồn ào. Những điều kiện ngoại cảnh có thể tác động đến tinh thần của con và làm gián đoạn giấc ngủ.
- Con ngủ không hết giấc, dậy giữa chừng và khóc khó dỗ: Giấc ngủ của trẻ có biểu đồ thời gian rất rõ ràng, và khi trẻ ngủ đủ số giờ cho giấc ngủ đó, con tỉnh dậy sẽ khoan khoái. Trái lại đang trong giấc ngủ mà vì lý do nào đó trẻ thức giấc, mẹ nên tìm hiểu xem ngày hôm đó có điều gì tác động đến con hay không. Trẻ có thể giật mình vì nằm mơ, tè dầm, tiếng động mạnh...
Ngoài việc tìm kiếm cảm quan những tác nhân khiến con khó ngủ, nếu thấy hiện tượng này lặp đi lặp lại, các mẹ cần cho con kiểm tra các vấn đề về sức khỏe, để xem con có thiếu dưỡng chất nào không, hoặc đang gặp các bệnh lý gì có thể làm con khó chịu. Song song hai phương pháp là cách giúp con lấy lại giấc ngủ tốt nhất
Giúp con ngủ ngon từ những việc nhỏ nhất
Mẹ Hoàng Thùy chia sẻ: “Không khó để giúp con ngon giấc, chỉ cần các mẹ chú ý một chút thôi. Thùy thì rất quan tâm đến việc con ngủ như thế nào vì sợ nhất con ngủ không ngon, quấy khóc thì bản thân con đã mệt rồi, mình cũng sẽ căng thẳng hơn”
Mẹ Thùy đã tự đúc kết những kinh nghiệm giúp con ngủ ngon:
- Đảm bảo rằng con đang phát triển bình thường bằng cách kiểm tra sức khỏe cho con thường xuyên, đặc biệt là bổ sung vi chất dinh dưỡng cho con
- Tạo điều kiện tối đa cho con vào giấc ngủ: cho con quen dần với lịch trình sinh hoạt khoa học trong ngày, ăn ngủ đúng giờ. Trước khi vào giấc cho con thư giãn với những bài hát ru, những câu chuyện kể; giấc ngủ của con thật yên tĩnh và dễ chịu.
- Kiểm tra bỉm, tã của con để chắc chắn đây không phải nguyên nhân khiến trẻ mất ngủ.
- Nếu con đang trong giai đoạn mọc răng, sau tiêm, các mẹ nên để ý đến bé hơn. Mặc dù dấu hiệu này sẽ sớm kết thúc nhưng cũng có thể làm con mất ngủ, quấy khóc.
Hi vọng với những chia sẻ của mẹ Hoàng Thùy, thật nhiều bà mẹ sẽ yên tâm với những giấc ngủ an yên của con mình.
Mai LinhBạn đang xem bài viết Tín hiệu cảnh báo con đang gặp vấn đề về giấc ngủ tại chuyên mục Con ngủ ngon an toàn của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].