Vì sao bệnh nhân đái tháo đường bị cắt chân?
Bệnh nhân nam 76 tuổi (ở Hải Phòng) mắc đái tháo đường type 2 kèm tăng huyết áp hơn 1 năm nay nhưng không điều trị thường xuyên.
Bệnh nhân được người nhà đưa vào BV Nội tiết Trung ương trong tình trạng sốt cao, thể trạng suy kiệt, gầy, bàn chân trái nhiễm trùng nặng. Bàn chân phải đã cắt ¾ bàn chân (sát xương gót chân). Cả hai bàn chân đều xuất hiện hoại tử lan rộng, dịch mủ hôi thối, đau nhức.
Kết quả xét nghiệm cho thấy bạch cầu tăng cao, chỉ số đường huyết vượt cao quá ngưỡng cho phép. Đáng lưu ý, bệnh nhân bị tổn thương ở bàn chân không có khả năng bảo tồn nên sau khi hội chẩn liên khoa, bệnh nhân được chỉ định cắt cụt cả 2 bàn chân để tránh nguy cơ nhiễm trùng lan rộng thêm, bảo toàn tính mạng.
Đây là một trường hợp biến chứng rất nặng, do vậy sau phẫu thuật, diễn biến bệnh nhân còn phức tạp như: tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc, thiếu máu nặng, cơ thể suy kiệt, mỏm cụt có nguy cơ hoại tử khó liền. Bệnh nhân được phối hợp điều trị tích cực chống nhiễm khuẩn, kiểm soát đường huyết, bổ sung dinh dưỡng, truyền máu, chăm sóc mỏm cụt, rửa vết thường hằng ngày cùng những hỗ trợ khác.
Một trường hợp nữa là bệnh nhân nữ 67 tuổi (ở Hà Nội) phải phẫu thuật cắt 2 đoạn xương bàn chân phải do biến chứng đái tháo đường. Lần điều trị này, bệnh nhân đến viện khám sớm hơn khi các ngón của bàn chân phải tím đen, xuất hiện vết loét ở lòng bàn chân và được điều trị kịp thời.
Bệnh nhân đái tháo đường cần làm gì để giữ được chân?
Theo ThS.BS. Nguyễn Ngọc Thiện, Phó trưởng Khoa Chăm sóc bàn chân, BV Nội tiết Trung ương, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị đái tháo đường biến chứng nghiêm trọng, viêm hoại tử bàn chân, cẳng chân, bàn chân và áp xe phần mềm da trên cơ thể…
Người bệnh đái tháo đường dễ bị xơ vữa động mạch, các mạch máu bị hẹp hoặc tắc sẽ làm giảm lượng máu đến bàn chân làm các vết loét lâu lành. Trường hợp bị tắc hoàn toàn động mạch, bàn chân và các ngón chân có thể bị hoại tử toàn bộ. Người bệnh hay bị biến chứng thần kinh ngoại vi, mất cảm giác, bệnh mạch máu tăng nhiễm khuẩn.
Đáng chú ý, với người bệnh đái tháo đường, biến chứng loét chân là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chi không phải do chấn thương. Việc điều trị bàn chân đái tháo đường hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức chưa đúng đắn về mức độ nguy hiểm của bệnh. Đa số người bệnh chỉ đến khám khi bàn chân đã nhiễm trùng nặng hoặc hoại tử lan rộng, khi đó việc cứu bàn chân trở nên vô cùng khó khăn.
Theo số liệu từ BV Nội tiết Trung ương, có khoảng 5 - 7% số bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng loét bàn chân. Nguy cơ cắt cụt chân cao gấp 15 - 46 lần so với người không bị bệnh.
Ngoài ra, bệnh nhân còn bị xuất huyết võng mạc dẫn tới mù lòa, suy thận, xơ vữa động mạch, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim… Do đó, việc phát hiện sớm, tuân thủ điều trị đóng vai trò quan trọng, giúp người bị đái tháo đường hạn chế gặp phải biến chứng nặng.
An AnBạn đang xem bài viết Nhiều người mất chân vì biến chứng của bệnh đái tháo đường tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].