Làng nghề truyền thống đang hồi sinh mạnh mẽ
Cũng như nhiều làng nghề khác ở Hà Nội, quá trình đô thị hóa khiến làng lụa Vạn Phúc bị mai một không ít. Song, nhờ sự chủ động đổi mới cách làm của chính quyền và nhân dân phường Vạn Phúc mà làng nghề truyền thống này đang ngày càng hồi sinh mạnh mẽ.
Hiện, làng lụa Vạn Phúc có khoảng 300 hộ làm nghề dệt, kinh doanh mặt hàng lụa tơ tằm. Các hộ làm nghề không chỉ tổ chức tốt hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn kết hợp làm du lịch, dịch vụ.
Bên cạnh việc kinh doanh các sản phẩm làm từ lụa, các cơ sở sản xuất còn kết hợp mô hình cho du khách tới tham quan, trải nghiệm quy trình làm ra sản phẩm, giúp khách hàng thấy được giá trị chất lượng của sản phẩm lụa Vạn Phúc.
Hơn nữa, để phát huy thế mạnh vốn có của làng nghề, địa phương đã tuyên truyền cho các hộ hoạt động kinh doanh, sản xuất lụa về cách ứng xử văn minh, lịch sự, không chèo kéo làm ảnh hưởng đến hình ảnh của làng nghề và thực hiện các quy tắc ứng xử văn minh, lịch thiệp nơi công cộng.
Theo chia sẻ của bà Trần Thị Thủy, một người đã gắn bó với nghề dệt lụa ở Vạn Phúc hơn 20 năm, lụa của Vạn Phúc nổi tiếng với chất liệu từ 100% sợi tơ tự nhiên, tạo nên sự mềm mại, óng ánh, khác hẳn với các sản phẩm lụa khác trên thị trường.
Để thu hút, tiếp cận được nhiều khách hàng, các sản phẩm lụa Vạn Phúc đang được biến tấu với nhiều mẫu mã, chủng loại khác nhau. Đồng thời, các hộ sản xuất, kinh doanh trong làng còn chủ động học hỏi, tiếp cận với công nghệ, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm lụa Vạn Phúc đến với khách hàng trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, để tạo bản sắc riêng, phát triển du lịch bền vững, phường Vạn Phúc đã xây dựng các tuyến phố lụa. Tại đây, các gian hàng trong khu phố lụa được sắp xếp đẹp mắt, gọn gàng để phụ vụ khách thăm quan, mua sắm. Đặc biệt, các sản phẩm được trưng bày đều là những sản phẩm mới, các mặt hàng thủ công làm từ lụa với đa dạng mẫu mã, màu sắc tạo thành điểm nhấn đối với khách du lịch.
Cùng với tuyến phố lụa là các khu vực ngành nghề phụ trợ để phục vụ du khách như: Khu phố ẩm thực, phố sinh vật cảnh, trung tâm giao lưu văn hóa đồ cổ, phát triển loại hình lưu trú, mua sắm…
Đến với làng lụa Vạn Phúc, du khách còn có thể đi tham quan các khu vực như: Chùa Vạn Phúc; Đền thờ tổ nghề; Miếu Vạn Phúc; Trung tâm bảo tồn lụa Vạn Phúc; Trung tâm sinh vật cảnh, phố đồ cổ - đồ xưa; Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh hay con đường bích họa đầy màu sắc phía trước sân đình làng...
Chính những thay đổi tích cực đó mà nhiều du khách đặt chân đến làng lụa Vạn Phúc hôm nay phải trầm trồ trước vẻ đẹp nên thơ của làng lụa. Sự kết hợp giữa nét truyền thống và hiện đại đã khiến cho làng Vạn Phúc ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước.
Làng lụa Vạn Phúc nhận bằng Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Với những nỗ lực của mình, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã được nhận bằng Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và Phường Vạn Phúc đón nhận Cờ thi đua xuất sắc của TP.Hà Nội.
Lễ nhận bằng Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa, du lịch, thương mại làng nghề Vạn Phúc có chủ đề Vạn Phúc - Sắc màu hội nhập, diễn ra từ 26/10 - 2/11 tại phường Vạn Phúc.
Sự kiện gồm nhiều nội dung, chương trình đặc sắc như Lễ rước tôn vinh Tổ nghề, hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề truyền thống Hà Nội, hội thi và trưng bày ảnh về Vạn Phúc, trình diễn áo dài với chủ đề Duyên dáng Hà Đông...
Đặc biệt, sau lễ dâng hương Thành hoàng Tổ nghề, đại diện UBND phường và Ban quản lý di tích phường đã nhận Quyết định công nhận 11 đạo sắc phong đang được lưu trữ tại đình Vạn Phúc theo Quyết định số 5812 ngày 31/12/2020 của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội về việc công nhận tài liệu lưu trữ quý hiếm tại các cơ sở thờ tự thuộc quận Hà Đông. Tiếp đó là lễ rước Tổ nghề với hơn 600 người tham gia.
Theo ông Phạm Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông, việc tổ chức các hoạt động lễ hội thiết kế sáng tạo và Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam - Hà Đông năm 2023 nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, hình thành nét văn hóa đương đại của làng nghề Việt Nam, lấy các làng nghề của Hà Nội trong đó có quận Hà Đông làm trung tâm để lan tỏa đến những địa phương khác.
Thông qua Tuần lễ Văn hóa, du lịch, thương mại làng nghề Vạn Phúc, UBND quận Hà Đông mong muốn được truyền thông, quảng bá với du khách trong và ngoài nước, nhân dân các địa phương về nét văn hóa đặc sắc của làng nghề dệt lụa truyền thống Vạn Phúc.
Làng lụa Vạn Phúc là một trong những làng nghề nổi tiếng lâu đời, với hơn 1.000 năm tuổi, đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất còn duy trì hoạt động đến ngày nay". Lụa Vạn Phúc nổi tiếng mượt mà, đậm nét văn hóa cổ truyền Việt Nam, từng là vật phẩm cống vua dưới thời các triều đại phong kiến, từng tham gia Hội chợ quốc tế và được người Pháp đánh giá là sản phẩm “Đệ nhất tinh xảo của vùng Đông Dương".
Theo Ban tổ chức, lễ rước bên cạnh giá trị tâm linh, tôn vinh Tổ nghề, còn là cơ hội để làng lụa Vạn Phúc mở ra hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch, cảnh quan, môi trường và văn hóa của làng nghề truyền thống.
An AnBạn đang xem bài viết Lụa Vạn Phúc – Phát triển làng nghề gắn với du lịch tại chuyên mục Đáng chú ý của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].