Lạng Sơn: Bắt giữ hơn 43 tấn dược liệu nhập lậu

Ngày 17/12/2018, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, Bộ Công an bắt giữ 100 tấn hàng nhập lậu, trong đó có có 43,7 tấn dược liệu.

Thông tin trên được lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn cho biết tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của Bộ Y tế do ông Nguyễn Văn Nhiên - Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã tiến hành thanh, kiểm tra tại tỉnh Lạng Sơn  về công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực dược, an toàn thực phẩm và công tác đấu tranh chống buôn lậu,gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng theo Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ diễn ra trong 2 ngày 19 và 20/12/2018.

  Phó chánh Thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên (thứ 2 từ trái qua) trong một buổi kiểm tra thị trường

Phó chánh Thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên (thứ 2 từ trái qua) trong một buổi kiểm tra thị trường

Nhập khẩu dược liệu chính ngạch giảm, buôn lậu tiểu ngạch tăng mạnh 

Báo cáo về tình trạng buôn lậu dược liệu, ông Hoàng Văn Tiến- Chánh thanh tra Sở Y tế Lạng Sơn cho biết, thời gian gần đây tình trạng buôn lậu dược liệu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có dấu hiệu gia tăng.

Ông  Tiến cho biết, sở dĩ có tình trạng này là theo quy định của Bộ Y tế tại Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược, DN muốn nhập khẩu dược liệu phải tiến hành tại các cửa khẩu quốc tế, trong đó có cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc- tỉnh Lạng Sơn). 

Thế nhưng, phía bạn (Trung Quốc) đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, kho tàng, bến bãi và các điều kiện để xuất nhập khẩu dược liệu qua cặp cửa khẩu Chi Ma (huyện Lộc Bình- tỉnh Lạng Sơn- Việt Nam)- Ái Điểm (huyện Ninh Minh- tỉnh Quảng Tây- Trung Quốc).

"Nếu DN Việt Nam phải nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị sẽ làm tăng chi phí vận chuyển của DN Trung Quốc từ cửa khẩu Ái Điểm sang cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, do đó không chỉ làm giảm tỷ lệ nhập khẩu dược liệu chính ngạch mà còn tăng nguy cơ buôn lậu mặt hàng này, vừa gây khó khăn cho lực lượng kiểm soát, vừa không đảm bảo yêu cầu về kiểm tra chất lượng sản phẩm…" - ông Tiến nhấn mạnh. 

Cũng theo ông Tiến, thời gian qua, việc thanh, kiểm tra, giám sát chất lượng dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN... trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cũng được tăng cường. Cụ thể,  trong năm 2018, Sở đã tiến hành lấy 613 mẫu thuốc, mỹ phẩm, TPCN, trong đó có 612 mẫu đạt chất lượng, chiếm 99,83%; tổng số mẫu gửi đạt chất lượng là 250/254 mẫu, chiếm 98,4% mẫu đạt chất lượng; 1,6% mẫu không đạt chất lượng.

Cũng theo Chánh thanh tra Sở Y tế Lạng Sơn, từ đầu năm 2018 đến nay, Sở Y tế đã tiến hành các cuộc thanh kiểm tra liên ngành định kỳ và  đột xuất với các cơ sở kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, TPCN, dược liệu, xử lý 23 cơ sở với tổng số tiền phạt đã nộp vào Kho bạc Nhà nước 76,550.000 đồng.

Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe

Theo ông Phan Lạc Hoài Thanh- Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn, công tác quản lý các cơ sở kinh doanh thuốc, dược liệu, TPCN trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

  (Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Cụ thể, một số chủ cơ sở kinh doanh lĩnh vực này chưa nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật đầy đủ văn bản quy định về lĩnh vực hành nghề nên còn vi phạm và bị xử lý vi phạm hành chính với các lỗi do chủ quan như kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, mỹ phẩm hết hạn sử dụng, để dược liệu bị hỏng, mốc; để lẫn sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc, cơ sở dược bán lẻ thuốc không đáp ứng yêu cầu về bảo quản ghi trên nhãn thuốc.

Còn đối với cơ sở kinh doanh dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền, TPCN, chủ yếu dược liệu, vị thuốc do các cơ sở đều tự thu hái, chế biến hoặc mua của người dân đi thu hái nhỏ lẻ ít một nên chủ cơ sở không làm thủ tục, hợp đồng mua bán... 

Bên cạnh đó, đa số cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, do vậy không có hoá đơn chứng từ và tem nhãn đầy đủ, việc kiểm tra chất lượng đầu vào chưa đảm bảo, việc tuân thủ bảo quản và kiểm soát theo quy định chưa tốt, còn có sản phẩm hết hạn sử dụng. Hầu hết sản phẩm đều không có phiếu kiểm tra chất lượng, các dược liệu, vị thuốc tại các phòng chẩn trị y học cổ truyền chưa có nguồn gốc đầu vào.

Chưa kể, các cơ sở kinh doanh dược, mỹ phẩm phát triển ngày càng nhiều với hình thức đa dạng, nhất là kinh doanh qua mạng internet đã khiến công tác quản lý thanh, kiểm tra gặp rất nhiều khó khăn. 

Thậm chí, một số cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không đứng tên, treo biển, mà hoạt động lén lút vào buổi tối, ngày nghỉ hay hoạt động dưới hình thức bán hàng đa cấp (với hình thức câu lạc bộ vui khoẻ, dưỡng sinh) bằng hình thức tuyên truyền miệng của người tham gia phân phối, kinh doanh đa cấp và bán hàng tại nhà nên công tác thanh, kiểm tra càng khó hơn.

Chưa kể, một số tổ chức, cá nhân sau khi được cấp giấy xác nhận tổ chức hội nghị, hội thảo giới thiệu thực phẩm chức năng (Cục An toàn thực phẩm cấp) đã xuống các thôn, bản tiếp thị giới thiệu và bán sản phẩm với giá cao gấp nhiều lần giá trị thực tế ...

Đánh giá nguyên nhân của thực trạng trên, ông Phan Lạc Hoài Thanh cho biết, ngoài nguyên nhân khách quan do đội ngũ nhân lực cán bộ thanh tra và quản lý nhà nước về thuốc, mỹ phẩm, TPCN, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền còn thiếu, kinh phi và trang thiết bị chưa đảm bảo, công tác kiểm tra, giám sát chưa được thường xuyên, liên tục...thì chế tài xử lý xử phạt chưa cao, còn chung chung, chưa cụ thể do vậy chưa đủ sức răn đe cơ sở vi phạm dẫn đến có hiện tượng cơ sở sản xuất kinh doanh chây ỳ, thiếu hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước. 

Để khắc phục tình trạng này theo lãnh đạo Sở Y tế Lạng Sơn đề xuất Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị kiểm nghiệm, xây dựng labo đạt chuẩn khu vực cho các tỉnh có cửa khẩu biên giới và lưu thông thực phẩm số lượng lớn. Đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp kiểm soát tốt việc nhập khẩu thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền.

Hữu Thành/ GIADINHMOI.VN

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính