Mấy hôm trước không rõ vì lý do nào đó, tôi vẫy ông con lớn há mồm để kiểm tra răng, có một chiếc răng hàm mọc lẫy ngang miệng tới cả cm khiến việc ăn uống lẫn phát âm của nó có vấn đề. Lúc ấy mới nhớ ra từ trước Tết con nhắc bố vài lần đưa đi khám nha khoa, bởi những sự bận rộn giả vờ song hành với nhậu tất niên. Tôi đã hoàn toàn quên.
Thật kỳ lạ, đã có lúc tôi đội mưa, giữa đêm, di chuyển cả chục KM chỉ để ship một món đồ cho người mà tôi đang nhờ vả công việc. Hay cũng lại trời mưa, tìm mọi cách ra khỏi nhà tham gia bữa nhậu huynh đệ. Nếu để hai câu chuyện này cạnh nhau, đây là một sự xấu hổ đáng ghi nhận.
Ngày con ra đời, việc đầu tiên của anh chàng thanh niên vừa biết làm cha là sờ nắn khắp người đứa bé, đếm từng ngón chân ngón tay... Thở phào ngẩng mặt thì thầm trong đầu cảm ơn ông trời đã cho gia đình đứa bé lành lặn.
Quan sát bạn bè xung quanh, lờ mờ nhận ra hình như mỗi gia đình tới thời điểm nào đó, khi điều kiện về vật chất tốt hơn, thì đó cũng là giai đoạn mức độ quan tâm tới con cái bị bai ra như sợi dây thun quần. Không đủ tụt hẳn xuống đất nhưng hờ hững, lỏng lẻo.
Tôi nhớ như in gần như cả quãng thời gian con bắt đầu đi học mẫu giáo cho tới lớp 1. Mỗi buổi chiều đi đón con, nhìn bước chạy vội vã bé xíu của nó ào về phía bố sau nửa ngày xa cách. Quãng cảm xúc này có thời hạn và đi qua rất nhanh khi ngoảnh lại.
Dọc con đường về nhà, tôi đã từng rất thích giao thông thật tắc nghẽn và nhiều đèn đỏ, để có thêm nhiều thời gian được quay sang ngắm đứa con đầu lòng đang bi bô kể chuyện, bé xíu, lọt thỏm ghế bên cạnh.
Thật lạ khi ý nghĩa của những chi tiết cũ có thể thay đổi tùy theo lộ trình mà nó quyết định đi qua trong bộ não. Cái răng mọc lẫy, mang đến sự ân hận. Nó nhắc lại tôi đã từng biết yêu, chăm chút ông con ra làm sao.
Thậm chí đã có lúc còn tự mãn mắng bạn bè, những đứa luôn mất tích khỏi gia đình tháng ngày rằng "Đáng lẽ mày không nên có con nếu không muốn chăm sóc bọn trẻ". Rồi có anh bạn trong nhóm được góp ý đó li dị lấy vợ khác, biến những đứa trẻ thành ra có tận hai gia đình, nhưng ở đâu cũng như là khách.
Chiếc răng mọc lẫy của ông con đã được nhổ. Vào một buổi chiều mùa hè, bố của nó không uống rượu và về sớm.
Hoàng Minh Trí
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Làm bố tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].