Không may mắn như những người khác, anh Phan Duy Tùng (1987, quê Phú Thọ) mang trong mình đột biến nhiễm sắc thể, tưởng chừng sẽ vụt mất cơ hội làm cha khi các bác sĩ lần lượt lắc đầu và trả hồ sơ vì không tìm thấy tinh trùng. Nhưng nhờ sự kiên trì nỗ lực và những kỹ thuật y khoa hiên đại tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, giờ đây gia đình anh đã có được hạnh phúc vẹn tròn bên con gái sau 4 năm mong mỏi.
Đi khám và bàng hoàng với kết quả 'vô tinh'
Sau thời gian tìm hiểu, chị Phan Thị Mùi và anh Phan Duy Tùng quyết định kết hôn, cùng xây đắp tổ ấm tình yêu vào tháng 11/2019.
Sau 6 tháng không thấy tin vui cùng lời dị nghị của những người xung quanh: “Có gì chưa?”, “Sao lâu thế?”…anh chị bắt đầu lo lắng. Vì mong con, vợ chồng chị Mùi tới thăm khám tại một số bệnh viện. Hai vợ chồng bàng hoàng khi nhận được kết luận, anh Tùng không có tinh trùng trong tinh dịch. “Khi ấy tai mình như ù đi, còn anh chỉ biết vò chặt hai tay rồi im lặng…”, chị Mùi nghẹn ngào.
Bác sĩ giải thích, nguyên nhân là do anh Tùng bị đột biến mất đoạn AZFc trên nhánh dài nhiễm sắc thể Y dẫn đến vô tinh trong tinh dịch. Khi đó, nhiều người khuyên anh Tùng, chị Mùi xin tinh trùng trong ngân hàng để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm nếu muốn có con.
Theo các chuyên gia hỗ trợ sinh sản, nhóm vô sinh do vô tinh (không có tinh trùng) thường chiếm từ 10-15% trong các trường hợp vô sinh nam. Vô tinh có thể hiểu là tình trạng nam giới xuất tinh nhưng không có tinh trùng trong tinh dịch, kể cả li tâm, lắng cặn cũng không thấy tinh trùng.
Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, thứ nhất, do đường dẫn (bị tắc hoặc không có ống dẫn tinh bẩm sinh). Thứ hai, do tinh hoàn sản xuất kém hoặc không sản xuất tinh trùng, tình trạng này gọi là vô tinh không bế tắc thì có thể mổ vi phẫu để tìm từng tinh trùng rồi tiêm vào bào tương trứng để tạo thành phôi và chuyển vào tử cung người phụ nữ.
'Duyên lành' với bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội
Mong mỏi và khát khao cháy bỏng được bế trên tay đứa con của chính mình đã thôi thúc đôi vợ chồng trẻ một lần nữa xuống Hà Nội đi khám. Sau khi thăm khám tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, anh Tùng được chỉ định thực hiện mổ vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro TESE – Đây được coi là phương pháp cứu cánh cuối cùng của nam giới vô tinh do đột biến nhiễm sắc thể.
Theo ThS. BS Đinh Hữu Việt - Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội: “Đột biến mất đoạn AZF là tình trạng mất đi một vùng nào đó trên nhánh dài của nhiễm sắc thể Y gây nên hậu quả với các mức độ khác nhau tùy theo vị trí của vùng như vô tinh, thiểu năng tinh trùng hoặc các bất thường chức năng của tinh trùng dẫn đến vô sinh ở nam giới. Đột biến mất đoạn AZF được phân thành các loại dựa theo các vị trí bao gồm: AZFa, AZFb, AZFc, AZFd hoặc đột biến mất đoạn kết hợp AZF (a+b+c) hay AZF (b+c). Trong đó loại thường gặp nhất là AZFc như trường hợp của anh Tùng, chiếm khoảng 80%”.
Nam giới không có tinh trùng do đột biến mất đoạn AZF vẫn có cơ hội được làm cha nhờ phương pháp vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro TESE và thụ tinh trong ống nghiệm.
Micro TESE là kỹ thuật mổ vi phẫu tìm tinh trùng từ mô tinh hoàn. Khi tìm tinh trùng trên những mẫu mô nhỏ, việc lọc tách cũng rất khó khăn, đòi hỏi sự tỉ mỉ.
Bác sĩ dùng kỹ thuật TESE đôi khi chỉ có thể tìm được một vài tinh trùng hoặc vài chục con vừa đủ để làm ống nghiệm. Bác sĩ mổ phải có kinh nghiệm “canh” rất chuẩn sao cho tinh trùng lấy ra là vừa đủ, không lấy quá nhiều mô gây tổn thương tinh hoàn, Ths. BS Đinh Hữu Việt chia sẻ thêm về kỹ thuật này.
Kỳ tích từ những hy vọng không ngừng nghỉ
Nghe bác sĩ tư vấn xong, hai vợ chồng chị Mùi như được tiếp thêm sức mạnh và quyết định làm hồ sơ để anh Tùng thực hiện vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng. Ngày quan trọng cũng tới, sau khi chọc trứng, chị Mùi ngồi chờ anh Tùng ngoài phòng phẫu thuật.
“Mới đầu, trong lòng còn khấp khởi hy vọng nhưng 30 phút …60 phút…90 phút…120 phút…trôi qua, anh vẫn chưa ra khiến mình thực sự lo sợ vì thời gian trong phòng mổ càng lâu chứng tỏ ca mổ khó khăn”, chị Mùi kể lại cảm xúc lúc đó.
Dù số lượng tinh trùng được tìm thấy không nhiều nhưng hai vợ chồng đã may mắn tạo được 5 phôi và có hai cơ hội chuyển phôi. Tuy nhiên, hạnh phúc trọn vẹn vẫn chưa tới với gia đình anh Tùng khi hai lần chuyển phôi đều không có kết quả.
Vẫn tiếp tục tin tưởng và hy vọng, chị Mùi và anh Tùng một lần nữa bước tiếp trên hành trình tìm con. Anh Tùng thực hiện vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng lần thứ hai. Số “tinh binh” ít ỏi thu được sau mổ của anh Tùng được thụ tinh với số trứng đã trữ đông trước đó của vợ. Lần này, tuy chỉ có một cơ hội chuyển phôi duy nhất nhưng “ngước nhìn lên màn hình, nơi có hình ảnh phôi bé xinh như bông hoa tuyết đang chuyển động, mình thầm gọi con yêu và tin chắc rằng lần này mình sẽ thành công” - chị Mùi nhớ lại.
Và rồi, may mắn đã mỉm cười, chị Mùi đã đậu thai thành công ở lần chuyển phôi thứ 3. Cuối cùng, sau 9 tháng 10 ngày mong chờ, niềm tin và sự kiên trì của hai vợ chồng anh Tùng, chị Mùi đã được đền đáp, bé Phan Thanh Ngọc Diệp (tên gọi ở nhà là LAVIE) đã chào đời vào ngày 28/02/2022 ở tuần thứ 39, nặng 4kg trong niềm hạnh phúc vỡ òa của cả gia đình.
V.LinhBạn đang xem bài viết Vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng - Micro TESE: Hiện thực hóa giấc mơ làm cha cho người bố 'vô tinh' tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].