Kinh tế Hà Nội chuyển biến tích cực sau 70 năm Giải phóng Thủ đô

Sau 70 năm Giải phóng Thủ đô, Hà Nội đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, xứng đáng vai trò là Thủ đô - trung tâm về hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.

Mốc son rực rỡ trong lịch sử xây dựng và phát triển của Thủ đô

Theo các tư liệu lịch sử ghi chép lại, kể từ “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua và chứng kiến biết bao sự biến thiên của lịch sử. Quân và dân Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước, bền bỉ lao động, kiên cường đấu tranh, sáng tạo nên một nền văn hiến rạng rỡ, lập nên nhiều chiến công hiển hách lưu danh muôn đời.

Trong lịch sử hào hùng, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua hơn 10 cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và kết thúc trong khúc khải hoàn, trong đó, ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là một trong những mốc son rực rỡ.

Tài liệu có ghi lại, sau chín năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, với ý chí không gì lay chuyển được và tinh thần chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo của quân và dân ta, đặc biệt với thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ ngày 21/7/1954 về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc nước ta.

Theo các văn bản đã được ký kết, từ ngày 2 - 5/10/1954, các đội hành chính, trật tự của ta vào thành phố trước, chuẩn bị cho việc tiếp quản các cơ quan, công sở, các công trình công cộng.

Ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Ảnh minh họa

Ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Ảnh minh họa

Sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội.

Vào lúc 15 giờ, sau một hồi còi dài tại Nhà Hát Lớn, hàng trăm nghìn người dân Hà Nội và các lực lượng vũ trang đã chỉnh tề tham dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ.

Công cuộc tiếp quản Thủ đô thành công tốt đẹp. Ta đã tiếp thu an toàn và nhanh gọn 129 công sở, công trình công cộng, xí nghiệp, bệnh viện, trường học, trong đó có các vị trí quân sự và các cơ quan đầu não quan trọng như Thành Hà Nội, Đồn Thủy, sân bay Bạch Mai, sân bay Gia Lâm, Phủ Toàn quyền, Phủ Thủ hiến Bắc Việt, sở Mật thám liên bang. Sinh hoạt của Nhân dân vẫn giữ được bình thường, ổn định. Các ngành điện, nước, giao thông liên lạc hoạt động đều, thông suốt, an ninh chính trị, trật tự xã hội được bảo đảm tốt; trường học, bệnh viện, các cơ quan văn hóa, báo chí… tiếp tục hoạt động bình thường dưới sự quản lý của chính quyền.

Ngày giải phóng Thủ đô là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khẳng định thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng thời mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Kinh tế Thủ đô chuyển biến tích cực

Trong nhiều năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội, kinh tế Thủ đô luôn duy trì tăng trưởng khá. TP.Hà Nội đã đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới phát triển nhanh và bền vững.

Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, 8 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp của Hà Nội tiếp tục đà phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 8 tháng tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,8%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 9%; công nghiệp khai khoáng giảm 1,5%.

Hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo trong 8 tháng năm 2024 có 20/23 ngành sản xuất có chỉ số IIP tăng so với cùng kỳ, trong đó một số ngành tăng khá như: Sản xuất máy móc, thiết bị tăng 19%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 12,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 10,7%; sản xuất thiết bị điện tăng 9,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 9,5%; sản xuất trang phục tăng 7,7%.

Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực sau 70 năm giải phóng Thủ đô. Ảnh minh họa

Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực sau 70 năm giải phóng Thủ đô. Ảnh minh họa

Thống kê cũng cho thấy, 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 544,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 344,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,4% tổng mức và tăng 10,4%. Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 73,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,5% và tăng 11,4%.

Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội (chỉ tính do cơ sở lưu trú phục vụ) 8 tháng năm 2024 ước đạt đạt hơn 4 triệu lượt người, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế ước đạt trên 2,8 nghìn lượt người, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch nội địa đến Hà Nội ước đạt trên 1,2 triệu lượt người, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 của Hà Nội ước tính đạt 1,8 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội ước tính đạt 12,4 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội 8 tháng năm 2024 ước thực hiện 343,6 nghìn tỷ đồng, đạt 84,1% dự toán pháp lệnh năm và tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Năm 2024, thành phố Hà Nội tập trung giải ngân vốn đầu tư công, dồn nguồn lực để sớm hoàn thiện các công trình trọng điểm, có sức lan tỏa lớn. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 8, ước tính đạt 7.325 tỷ đồng, tăng 12,6 % so với thực hiện tháng trước và tăng 48,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 8 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện được 38,1 nghìn tỷ đồng, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm trước và đạt 46% kế hoạch năm 2024.

Một trong những điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế Thủ đô là trong 8 tháng năm 2024, toàn Thành phố đã thu hút 1,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Đăng ký cấp mới 172 dự án với số vốn đạt 1,1 tỷ USD; 120 lượt tăng vốn đầu tư với 155 triệu USD; 154 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 177,7 triệu USD. Như vậy, Hà Nội vẫn duy trì là điểm đến an toàn, đầy tiềm năng cũng như vị thế hấp dẫn vốn đầu tư của cả nước.

Có thể thấy, hầu hết các chỉ số quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định sức sống và kết quả phát triển kinh tế trên địa bàn Thủ đô đều đang cải thiện, tăng trưởng khá rõ. Những thành tựu, kết quả của Hà Nội đã góp phần cùng cả nước thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh; thúc đẩy hội nhập và đối ngoại; phát triển văn hóa; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng tới phát triển nhanh và bền vững. 

An Nhiên

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính