Khoai môn là một loại củ thơm ngon, bổ dưỡng và được dùng để chế biến nhiều món ăn ngon trong thực đơn hằng ngày. Vậy khoai môn bao nhiêu calo và ăn khoai môn có béo không? Hãy cùng theo dõi bài viết để tìm hiểu nhé!
Khoai môn là gì? Giá trị dinh dưỡng trong khoai môn
Khoai môn là một loại củ thuộc họ Ráy (Araceae), phổ biến trong ẩm thực châu Á và châu Phi. Loại củ này có lớp vỏ sần sùi màu nâu đến đen và thịt màu trắng hoặc tím nhạt, thường được dùng làm nguyên liệu trong nhiều món ăn như súp, chè hay chiên.
Khoai môn có chứa một lượng chất dinh dưỡng dồi dào. Cụ thể, một khẩu phần gồm 100 g củ khoai môn có chứa:
- Năng lượng: 112 kcal.
- Carbohydrate: 26.5 g.
- Chất xơ: 4.1 g.
- Protein: 1.5 g.
- Chất béo: 0.2 g.
- Kali: 591 mg.
- Canxi: 43 mg.
- Phospho: 84 mg.
- Magie: 33 mg.
- Sắt: 0.55 mg.
- Vitamin C: 4.5 mg.
- Vitamin B6: 0.283 mg.
- 1 lượng nhỏ folate, kẽm, đồng, vitamin A,...
1 Khoai môn bao nhiêu calo?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khoai môn chứa 112 kcal trên mỗi 100 g, một lượng calo tương đối vừa phải. Nhờ lượng carbohydrate dồi dào giúp cung cấp năng lượng bền vững, lượng chất xơ cao giúp hỗ trợ tiêu hóa cùng hàm lượng chất béo thấp, khoai môn là thực phẩm lý tưởng cho một chế độ ăn uống lành mạnh.
Khoai môn chứa 112 kcal trên mỗi 100g
2 Ăn khoai môn có béo không?
Ăn khoai môn không những không gây béo mà còn có thể hỗ trợ giảm cân nếu ăn đúng cách. Nhờ chứa hàm lượng chất xơ cao, khoai môn giúp tạo cảm giác no lâu, từ đó giảm lượng calo tiêu thụ trong ngày.
Ngoài ra, loại tinh bột trong khoai môn khó tiêu hóa hoàn toàn (tinh bột kháng), giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và duy trì cảm giác no lâu hơn. Điều này không chỉ hỗ trợ kiểm soát cơn đói mà còn giúp giảm lượng mỡ trong cơ thể, đặc biệt là mỡ bụng, nhờ việc tăng cường quá trình đốt cháy mỡ và kiểm soát đường huyết.
Ăn khoai môn không những không gây béo mà còn hỗ trợ giảm cân
3 Cách ăn khoai môn giảm cân
Khoai môn luộc
Để giảm cân hiệu quả, bạn có thể ăn khoai môn luộc như một bữa sáng lành mạnh và bổ dưỡng. Món ăn này không chỉ giúp bạn cảm thấy no lâu mà còn cung cấp nhiều dinh dưỡng mà không chứa chất béo, hỗ trợ quá trình giảm cân và duy trì vóc dáng cân đối.
Cách thực hiện rất đơn giản: Đầu tiên, bạn rửa sạch khoai môn và cho vào nồi nước, đun cho đến khi khoai mềm và thấy vỏ nứt ra thì tắt bếp. Sau khi khoai môn nguội, bạn hãy bóc vỏ và thưởng thức.
Ăn khoai môn luộc như một bữa sáng giúp giảm cân hiệu quả
Súp khoai môn thịt băm
Súp khoai môn thịt băm là lựa chọn tuyệt vời cho bữa tối giảm cân, ít calo và không chứa chất béo. Bạn nên kết hợp ăn món này 2-3 bữa tối mỗi tuần để hỗ trợ quá trình giảm cân và cải thiện tiêu hóa.
Bạn có thể tham khảo công thức làm súp khoai môn thịt bằm dưới đây:
Nguyên liệu: 2-3 củ khoai môn, 200 g thịt nạc xay, nước, gia vị gồm bột ngọt, bột nêm, nước mắm.
Cách làm:
- Gọt vỏ và rửa sạch khoai môn, sau đó thái nhỏ.
- Phi thơm hành, cho thịt nạc băm vào xào chín.
- Thêm khoai môn vào đảo cùng, rồi đổ nước và gia vị vừa miệng.
- Đun sôi và hầm đến khi khoai môn mềm, hòa quyện cùng thịt băm.
- Tắt bếp, múc súp ra bát và thêm chút hành lá trước khi thưởng thức.
Súp khoai môn thịt băm là lựa chọn tuyệt vời cho bữa tối giảm cân
Canh khoai môn hầm xương
Canh khoai môn hầm xương không chỉ là món ăn ngon mà còn có thể hỗ trợ giảm cân nếu sử dụng hợp lý. Món canh này chứa nhiều dinh dưỡng từ khoai môn và xương heo, giúp bạn no lâu mà không nạp quá nhiều calo.
Bạn có thể tham khảo công thức làm món canh khoai môn hầm xương dưới đây:
Nguyên liệu: 400 g sườn heo, 400 g khoai môn, 1 lít nước, 1 muỗng canh bột canh, 1/2 muỗng canh hạt nêm, ngò gai và hành lá (cắt nhỏ).
Cách làm:
- Sơ chế: Gọt vỏ và cắt khoai môn thành miếng vừa ăn. Rửa sạch sườn heo, chần qua nước sôi, rồi rửa lại với nước.
- Nấu canh: Đun 1 lít nước với sườn heo và bột canh khoảng 30 phút. Tiếp theo, cho khoai môn vào nấu thêm 10-20 phút, nêm hạt nêm và thêm hành lá, ngò gai trước khi tắt bếp.
- Thưởng thức: Múc canh ra tô, thêm tiêu và thưởng thức món canh ngọt bùi, dẻo thơm.
Canh khoai môn hầm xương có thể hỗ trợ giảm cân nếu dùng hợp lý
4 Tác dụng của khoai môn
Khoai môn là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và có nhiều lợi ích cho sức khỏe, cụ thể như:
- Hỗ trợ tiêu hóa: Khoai môn chứa nhiều chất xơ, giúp cải thiện chức năng tiêu hóa và giảm các vấn đề như táo bón và tiêu chảy.
- Hỗ trợ kiểm soát huyết áp: Hàm lượng kali cao trong khoai môn giúp kiểm soát huyết áp, giảm bớt căng thẳng cho tim mạch.
- Tốt cho tim mạch: Kali giúp giảm nguy cơ phát triển các bệnh tim mạch bằng cách ổn định huyết áp và ngăn ngừa tình trạng căng thẳng cho hệ thống tim.
- Hỗ trợ giảm nguy cơ ung thư: Khoai môn chứa nhiều chất chống oxy hóa, như quercetin, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do, từ đó giảm nguy cơ ung thư.
Khoai môn chứa nhiều chất xơ, giúp cải thiện chức năng tiêu hóa của cơ thể
5 Lưu ý khi ăn khoai môn
Ai không nên ăn nhiều khoai môn?
Dưới đây là những đối tượng nên tránh ăn nhiều khoai môn:
- Người bị ho đờm: Khoai môn có nhiều nước, có thể làm tăng hàm lượng đờm trong cơ thể, cản trở quá trình hồi phục bệnh.
- Người bị dị ứng: Những người có tiền sử dị ứng như nổi mề đay, chàm hoặc hen suyễn nên hạn chế ăn khoai môn. Việc tiêu thụ có thể gây ra phản ứng dị ứng đường hô hấp hay trên da.
- Bệnh nhân tiểu đường: Khoai môn chứa tinh bột và đường với hàm lượng cao. Việc ăn quá nhiều có thể làm tăng lượng đường trong máu, không có lợi cho việc kiểm soát bệnh tiểu đường.
- Trẻ nhỏ: Trẻ nhỏ tiêu hóa khoai môn chậm, vì vậy ăn khoai môn có thể gây khó tiêu cho trẻ em. Đặc biệt, trẻ có dạ dày yếu cần cẩn thận khi tiêu thụ loại thực phẩm này.
Ngoài ra, người bình thường cũng nên kiểm soát lượng khoai môn tiêu thụ, không vượt quá 100 g mỗi ngày và nên chế biến bằng các phương pháp như nấu hoặc hầm để giữ lại dinh dưỡng tốt hơn.
Trẻ nhỏ tiêu hóa khoai môn chậm, vì vậy có thể bị khó tiêu nếu ăn khoai môn
Lưu ý khi chọn mua, bảo quản khoai môn
Khi chọn mua và bảo quản khoai môn, bạn cần lưu ý một số điểm quan trọng để đảm bảo chất lượng và độ tươi ngon của sản phẩm.
Một số điều cần lưu ý khi chọn mua khoai môn như:
- Hình dáng: Nên chọn những củ khoai môn có hình dạng tròn đều, tương tự như quả trứng gà. Bên ngoài có lớp vỏ sần sùi và nhiều râu, kích thước vừa phải.
- Trọng lượng: Khi cầm củ khoai trên tay, nếu cảm thấy nặng, đó là dấu hiệu của nhiều nước bên trong, có thể khiến củ nhạt vị hoặc bị sượng. Ngược lại, củ nhẹ thường chứa nhiều tinh bột, khi nấu sẽ bùi và thơm ngon hơn.
- Phần mắt khoai: Những củ có nhiều lỗ trũng thường sẽ bùi và ngọt hơn. Nếu thấy khoai có ít lỗ và vỏ mịn, khả năng cao là không ngon.
- Màu sắc và kết cấu: Nếu chọn củ khoai đã sơ chế, hãy chọn những củ có lớp ruột nhiều vân tím và màu đỏ đậm vì đây là dấu hiệu của khoai ngon.
Để bảo quản khoai môn tốt, bạn cần phải thực hiện như sau:
- Khoai môn chưa gọt vỏ: Sau khi mua về, hãy để khoai ở nơi khô ráo và thoáng mát, không nên để trong tủ lạnh vì hơi nước có thể làm khoai nhanh hỏng.
- Khoai môn đã gọt vỏ: Nếu bạn đã sơ chế, hãy đặt khoai vào hộp kín và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh từ 3-4 ngày. Nếu muốn bảo quản lâu hơn, có thể để trong ngăn đông đá, khoảng 7-10 ngày. Tránh để khoai trong túi giấy để giữ được độ tươi lâu hơn.
Cần lưu ý một số điểm quan trọng khi chọn mua và bảo quản khoai môn
Lưu ý khi chế biến và ăn khoai môn
Trong quá trình chế biến và ăn khoai môn, bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Thời gian ăn khoai môn: Nên tiêu thụ khoai môn vào buổi sáng hoặc trưa để dễ tiêu hóa hơn. Do hàm lượng tinh bột cao, ăn vào buổi tối có thể làm dạ dày quá tải, gây cảm giác đầy bụng và tích tụ mỡ thừa.
- Tránh khoai môn mọc mầm: Khi khoai môn đã mọc mầm, nó có thể chứa độc tố. Hãy cắt bỏ phần mầm để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
- Đeo găng tay khi sơ chế: Sử dụng găng tay nilon khi gọt khoai môn để tránh tình trạng ngứa da, do trong khoai môn có chứa tinh thể oxalat canxi gây kích ứng.
- Ngâm và nấu chín kỹ: Khoai môn cần được ngâm kỹ và nấu chín trước khi chế biến để loại bỏ tinh thể oxalat canxi có hại, đặc biệt với những người có bệnh gout hoặc sỏi thận.
Ăn khoai môn vào buổi sáng hoặc trưa là tốt nhất
Xem thêm:
- 100g khoai lang bao nhiêu calo? Ăn khoai lang có giảm cân không?
- 100g bí đỏ bao nhiêu calo? Ăn bí đỏ có béo không và lưu ý khi ăn
Trên đây là những thông tin về lượng calo có trong khoai môn, ăn khoai môn có béo không và những lưu ý khi ăn. Nếu thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân nhé!
Bạn đang xem bài viết Khoai môn bao nhiêu calo? Ăn khoai môn có béo không? Cách ăn giảm cân tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].