Khi đón con ở trường, đừng về vội!

Trong thời gian tiểu học, có vài người bạn tốt trong lớp cũng giống như có mấy “thỏi nam châm” hút trẻ đi học, làm cho trẻ mỗi ngày đầy khao khát đến trường gặp những người bạn này.

Đó là quan niệm trong quá trình nuôi dạy con của một bà mẹ đồng thời là một chuyên gia giáo dục gia đình và nhà tư vấn tâm lý người Trung Quốc – Lưu Xứng Liên, được trình bày qua cuốn sách “Cùng con bước qua tiểu học”.

6 chương của cuốn sách thể hiện đầy đủ và toàn diện từng khía cạnh phát triển khác nhau của trẻ trong thời kỳ tiểu học.

Từ các bài viết giản dị mà tinh tế của tác giả, các cha mẹ sẽ tìm thấy hình ảnh của con và chính mình trong đó, từ đó chắt lọc cho mình cách nuôi dạy con phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh khi đứng trước “mê cung” hàng trăm phương pháp giáo dục hiện nay.

Khi đón con ở trường, đừng về vội! 0

"Cùng con bước qua tiểu học" là nguồn tài liệu vô cùng quý giá với tất cả phụ huynh.

Với những chia sẻ về cách thức đồng hành cùng con một cách tỉ mỉ dựa trên những hiểu biết sâu sắc về tâm lý của trẻ cũng như những yêu cầu của sự phát triển ở trẻ, cuốn sách “Cùng con bước qua tiểu học” của chuyên gia giáo dục Lưu Xứng Liên là nguồn tham khảo hữu ích cho các bậc phụ huynh.

Cuốn sách không chỉ đề cập đến việc xây dựng nền móng cho giáo dục nhân cách trẻ mà còn chỉ rõ những ảnh hưởng lâu dài của nó đến các giai đoạn về sau như lứa tuổi thanh thiếu niên, cũng như cung cấp các cách thức để cha mẹ đối diện và ứng xử với những thay đổi về lứa tuổi của con.

“Thỏi nam châm” làm con thích đi học

Không thích đi học, sợ đến trường là hiện tượng khá phố biến của trẻ trong những năm đầu đời và những năm tiểu học.

Một phần có thể do cha mẹ lựa chọn sai trường cho trẻ, như tác giả Lưu Xứng Liên chia sẻ những kinh nghiệm bản thân đã trải qua rất xúc động và mang tính thức tỉnh trong cuốn sách của mình.

Theo tác giả “Cùng con bước qua tiểu học", “yêu tha thiết trường học, yêu tha thiết thầy cô, yêu tha thiết bạn bè là tiền đề để học sinh tiểu học yêu thích học tập, đồng thời không ngừng tiến bộ”. Vì vậy, “không cần phải dành quá nhiều tâm tư vào việc học của trẻ, mà cần nghĩ cách để trẻ yêu trường lớp, yêu học tập”.

Và thầy cô, bạn bè cùng sự động viên, cổ vũ khi trẻ đạt được thành tích chính là “thỏi nam châm” giúp trẻ yêu học tập, thích đến trường.

Tác giả Lưu Xứng Liên chia sẻ, từ khi con gái học mẫu giáo, bà cùng chồng luôn chú ý tìm bạn cho con. Việc khiến trẻ khao khát chơi cùng bạn sẽ giúp trẻ luôn sẵn sàng đi học vào mỗi sáng.

“Khi đón con ở trường, chúng tôi sẽ gọi vài người bạn nhỏ cùng chơi với con một lúc rồi mới về nhà. Bọn trẻ cùng chơi rất vui, mỗi khi chia tay bọn trẻ đều lưu luyến không rời”. Vì vậy, sáng ngày hôm sau con gái bà vui vẻ đi mẫu giáo vì rất mong được chơi cùng các bạn.

Sau khi con gái lên tiểu học, tác giả cuốn sách vẫn tiếp tục tìm kiếm giúp con những bạn học có thể chơi hợp với con. Bởi theo bà, sức hấp dẫn của bạn bè đối với trẻ là rất lớn, trẻ có thể nhận được sự khẳng định từ bạn bè, hoặc là học được những thứ mà bản thân mình không có.

Vì vậy, “trong thời gian tiểu học, có vài người bạn tốt như vậy trong lớp cũng giống như có mấy “thỏi nam châm” hút trẻ đi học, làm cho trẻ mỗi ngày đầy khao khát đến trường gặp những người bạn này”.

Cùng với bạn bè, thầy cô cũng là yếu tố quyết định khiến trẻ yêu, ghét việc đến trường; đặc biệt học sinh tiểu học rất nghe lời thầy cô, “coi lời thầy cô là thánh chỉ”. Nhận thấy điều này bà luôn “nghĩ cách làm con thích mỗi thầy cô giáo của mình”.

Tác giả đưa ra lời khuyên,”các bậc phụ huynh đừng ngại tìm những ưu điểm của thầy cô, tôn kính thầy cô từ tận đáy lòng, chỉ có như vậy, trẻ mới yêu môn học của thầy cô, đồng thời nỗ lực học tập”. Quan hệ thầy trò tốt đẹp khiến trẻ thoải mái, vui vẻ khi đi học, vì vậy trẻ sẽ thích đi học.

Bên cạnh đó, trẻ luôn thích được khen và cổ vũ. Vì vậy, khi con đạt được thành tích, cha mẹ và thầy cô kịp thời khen ngợi và cổ vũ sẽ khiến trẻ có thêm động lực để đọc sách và học tập nhiều hơn.

Một điều quan trọng giúp trẻ có hứng thú với việc học và ảnh hưởng tới cuộc sống sau này mà tác giả cuốn sách lưu ý, đó là cần tranh thủ bồi dưỡng thói quen học tập từ sớm.

Thói quen học tập bao gồm thói quen chuẩn bị bài mới và ôn tập bài cũ mỗi ngày, tiểu kết một giai đoạn và đọc ngoài giờ. Theo tác giả Lưu Xứng Liên, “những thói quen này nếu được hình thành trước khi trẻ mười tuổi, thì sẽ có tác dụng rất lớn đối với việc học tập, với cuộc sống và tương lai của trẻ”.

Thói quen đọc sách sẽ có ích suốt đời với trẻ

Một trong những thói quen mà tác giả Lưu Xứng Liên chú trọng rèn luyện cho con từ những năm tiểu học là đọc sách. Chính điều này đã giúp con gái bà có hiểu biết hết sức phong phú, được thầy cô và bạn bè ngưỡng mộ.

Theo tác giả, để tạo nên một gia đình học tập, nên xây dựng một gia đình đọc sách. Và muốn con ham thích đọc sách trước tiên cha mẹ cần tạo cho con không khí đọc sách. Nghĩa là, nếu thấy cha mẹ chăm đọc sách trẻ sẽ học theo và sẽ vui vẻ khi được cùng bố mẹ đọc sách.

“Nếu cha mẹ hướng dẫn trẻ một tuần đọc một cuốn sách, trong một năm trẻ có thể đọc được năm mươi cuốn sách”. “Nếu như trẻ đọc sách về đủ mọi đề tài, vậy thì tri thức của trẻ có muốn không uyên bác cũng khó, khi viết văn, cũng sẽ không cảm thấy khó khăn”.

Khi đón con ở trường, đừng về vội! 1

Để tạo nên một gia đình học tập, nên xây dựng một gia đình đọc sách.

Tác giả cuốn sách đưa ra lời khuyên, “những bậc phụ huynh bận rộn, không có thời gian chăm sóc con, nên đưa con đến một hiệu sách có không gian tốt hơn là nhốt con trong nhà, để con lên mạng hoặc xem tivi”.

Với học sinh tiểu học, ý thức cá nhân vẫn chưa mạnh, vì vậy cha mẹ nên dẫn dắt, bồi dưỡng cho trẻ thói quen đọc sách, sẽ có ích suốt đời cho trẻ.

Muốn hình thành thói quen đọc sách cho trẻ, môi trường đọc sách là yếu tố vô cùng quan trọng. Để trẻ chăm đọc sách, cha mẹ cần tạo ra môi trường thuận tiện cho việc đọc sách của trẻ.

Như chia sẻ của tác giả, hãy để sách ở bất cứ nào trong nhà như “đầu giường”, “sofa”, “bàn ăn” hay trên “nền nhà”,… những nơi trẻ có thể nhìn thấy, có thể với tới. Đồng thời, cha mẹ cần thường xuyên mua sách mới để thỏa mãn ham muốn đọc sách của con.

Tuy nhiên, các bậc cha cũng cần lưu ý chọn lựa những cuốn sách thích hợp với con. Hiện nay sách dành cho thiếu nhi rất đa dạng, phụ huynh có lúc không phân biệt được sách như thế nào thì thích hợp với trẻ, vì vậy hãy luôn để ý xem trẻ thích kiểu sách gì và bạn của trẻ đang đọc sách gì.

Theo tác giả cuốn sách, nếu “cho trẻ đọc các sách thuộc thể loại truyện tranh, nhất định phải cho trẻ đọc những bộ sách kinh điển”.

Bên cạnh đó, báo và tạp chí được tác giả này ví như “những món ăn vặt” không thể thiếu, đối với trẻ nó dễ dàng tiêu hóa. Báo và tạp chí cũng giúp hình thành thói quen đọc mọi lúc, mọi nơi của trẻ. Đồng thời, thay vì tìm kiếm trên mạng internet, việc tra cứu bằng các cuốn sách “bách khoa toàn thư” sẽ tạo cảm hứng đọc sách và niềm yêu thích sách ở trẻ.

Không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy và bồi dưỡng con về thói quen học tập, đọc sách, tác giả Lưu Xứng Liên còn đưa ra nhiều đúc kết trong việc cùng con vui chơi, cùng con tu luyện phẩm chất, cùng con lớn lên và thể hiện tình yêu với thế giới xung quanh.

Đây chính là quá trình đồng hành cùng con, cùng con trưởng thành mà sợi chỉ đỏ xuyên suốt là để con tự do phát triển trong tình yêu thương của cha mẹ.

 Thục Linh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính