Kể về kỉ niệm với thầy cô giáo mà em nhớ mãi tặng thầy, cô nhân ngày 20/11

Ai cũng có những kỷ niệm không thể nào quên với thầy cô giáo cũ của mình. Hãy kể lại những câu chuyện đó và gửi tặng đến thầy cô trong ngày 20/11 sắp tới như một lời tri ân.

Kể về người thầy mà em nhớ nhất tri ân ngày Nhà giáo Việt Nam

  Kể về người thầy mà em nhớ nhất tri ân ngày Nhà giáo Việt Nam

Kể về người thầy mà em nhớ nhất tri ân ngày Nhà giáo Việt Nam

Trong tuổi thơ của mỗi người, ai cũng có những kỉ niệm đáng nhớ về thầy, cô giáo cũ của mình, những kỉ niệm đẹp xen lẫn nỗi buồn, đều được khắc sâu trong trí nhớ của chúng ta. Riêng tôi, có một kỉ niệm mà tôi không bao giờ quên, kỉ niệm sâu sắc về một người thầy đáng kính của tôi.

Năm ấy, khi tôi còn học lớp một, tôi có những kỉ niệm đẹp về thầy giáo chủ nhiệm của mình. Tôi đã bước sang lớp một, ngưỡng cửa của bậc tiểu học, có nhiều bạn mới, thầy cô mới.

Ngày trọng đại ấy, ngày tôi không bao giờ quên. Sau buổi lễ khai giảng, tất cả các học sinh đều bước vào lớp học của mình để học buổi học đầu tiên và gặp gỡ thầy cô giáo chủ nhiệm của mình và cũng là người sẽ gắn bó với tôi trong suốt thời gian học tiểu học.

Khi thầy bước vào, dáng người thầy thật nhanh nhẹn và thầy chào chúng tôi. Tôi trông thầy cũng đã đứng tuổi, tóc thầy cũng đã điểm bạc, khuôn mặt thầy gầy, bàn tay thầy có nhiều vết nhăn, chắc thầy đã có mấy chục năm "lận đận" với học sinh.

Thầy bước lên bục giảng và hiệu cho chúng tôi im lặng và thầy nói: "Chào các con, thầy tên là Hồ Viết Cảnh, thầy sẽ chủ nhiệm lớp các con trong suốt bậc tiểu học".

Giọng thầy thật ấm áp, nhẹ nhàng, làm cho những suy nghĩ trong đầu tôi về một người thầy giáo chủ nhiệm thật dữ dằn và nghiêm khắc đều tan biến.

Sau khi ra mắt chúng tôi, thầy bắt đầu dạy cho chúng tôi những bài học đầu tiên mà cũng là những bài học đầu đời dạy tôi nên người.

Thầy viết lên bảng những dòng chữ đầu tiên, tôi trông thấy bàn tay thầy run run khi viết, sau này tôi mới biết, thầy phải chịu đựng những cơn đau do tham gia cuộc chiến tranh kháng chiến chống Mỹ để viết nên dòng chữ đẹp đó.

Sau khi viết xong đề bài, thầy hỏi chúng tôi có thấy rõ không, một và bạn ngồi phía dưới do mắt kém nên không thấy liền được thầy chỗ khác cho phù hợp.

Trong buổi học thầy đến tận chỗ của từng người để chỉ cho chúng tôi những chỗ không hiểu. Cuối giờ, thầy cho chúng tôi xếp hàng ra về, mọi người đi về rất thẳng hàng, tiếng cười đùa của một vài bạn đã làm xôn xao khắp sân trường.

Buổi học đầu tiên đã kết thúc như vậy đó, thầy đã để lại cho tôi những suy nghĩ về một người thầy mẫu mực.

Những buổi học sau, thầy nghiêm khắc với những bạn lười học, khen thưởng những bạn ngoan. Giờ ra chơi, thầy đều ra chơi cùng chúng tôi, thầy chơi những trò chơi dân gian cùng với chúng tôi, nhìn khuôn mặt thầy lúc đấy thật đáng yêu, nhìn kĩ thầy, tôi có cảm giác khuôn mặt thầy rất giống khuôn mặt ông nội tôi.

Ông tôi đã mất từ khi tôi còn nhỏ, những kỉ niệm đẹp của ông và tôi đều được tôi khắc ghi. Nhìn thầy, tôi cảm thấy nhớ đến ông, nhớ đến cảnh chơi đùa của hai ông cháu, tôi liền chạy vào phòng học, ngồi trong góc khóc.

Lúc đó có một bàn tay đặt lên vai tôi khẽ vỗ về, hình ảnh ông nội vỗ về tôi mỗi khi buồn hiện về, tôi bỗng khóc to lên, không sao có thể kiềm chế được. Thì ra đó chính là thầy, thầy khẽ nói với tôi: "Thành, sao con khóc, nói ra để thầy chia sẻ với con".

Rồi thầy ôm tôi vào lòng, nhận được sự an ủi của thầy, tôi càng khóc to hơn. Sau hôm đó tôi cảm thấy được thầy quan tâm nhiều hơn.

Vào một hôm, do tôi không học bài nên bị điểm kém, thầy liền mắng tôi, tôi liền chạy về chỗ ngồi, trong lòng tôi cảm thấy rất tức thầy. Vào giờ ra chơi thầy không ra chơi với các bạn như mọi khi, thầy xuống chỗ tôi.

Thầy nói: "Thầy xin lỗi em vì đã quá nặng lời, nhưng em là lớp trưởng nên phải gương mẫu cho các bạn noi theo....". Thầy giảng lại cho tôi bài tôi chưa hiểu.

Tôi nhìn thầy lúc đó mà trong lòng cảm thấy hối hận vô cùng, ân hận vì đã làm thầy buồn. Tôi tự hứa sẽ cố gắng phấn đấu tốt hơn.

Vậy đấy, thầy đã để lại cho tôi những kỉ niệm không bao giờ phai mờ về một người thầy giản dị mà thân thương.

Tôi hứa sẽ cố gắng học tập để trở thành công dân tốt, có ích cho đất nước và xã hội. Công ơn thầy sẽ mãi được khắc ghi như câu danh ngôn:

"Ngọc không mài không sáng, người không học không tài."

Ngày hiến chương nhà giáo Việt Nam 20/11 đang đến gần, xin gửi tới các thầy cô làm nghề giáo nói chung, và thầy của tôi nói riêng những lời chúc tốt đẹp nhất. Chúc các thầy cô luôn mạnh khỏe, để hoàn thành tốt nhiệm vụ trở thành một người đưa đò để chèo lái các thể hệ học trò sau này.

Kể về người cô mà em nhớ nhất tặng trong ngày 20/11

  Kể về người cô mà em nhớ nhất tặng cô ngày 20/11

Kể về người cô mà em nhớ nhất tặng cô ngày 20/11

Gia đình em theo bố chuyển ra thị xã đã gần hai năm. Hôm nay, em mới có dịp về thăm quê vừa lên xe, em đã nhận ra cô Nga, cô giáo chủ nhiệm lớp 5A mà em rất quý mến.

Em khoanh tay lễ phép chào cô, cô mỉm cười kéo em ngồi xuống ghế bên cạnh và ân cần hỏi thăm tình hình học tập và sinh hoạt của em.

Gặp cô, em mừng lắm, bao nhiêu kỉ niệm tốt đẹp về cô lại trỗi dậy trong kí ức em… Hồi ấy, quê em còn nghèo, đường làng lồi lõm, quanh co, sau mỗi cơn mưa, đất nhão thành bùn dính bết vào chân, đi lại rất khó khăn.

Dân làng làm việc quần quật suốt ngày ngoài đồng, quanh năm vất vả, trẻ em mới lên chín, lên mười đã phải phụ giúp cha mẹ những việc nhỏ như chăn trâu, cắt cỏ…

Sáng sáng, em đi học cùng bạn Lâm nhà bạn ấy cách nhà em một xóm. Hôm đó, chờ mãi không thấy Lâm đến rủ, em đành tới trường một mình.

Suốt mấy ngày mưa phùn lây rây, không khí ẩm ướt và lạnh thấu xương, bầu trời xám xịt, mặt trời bị che khuất sau những đám mây dày sũng nước.

Đến lớp, em thấy bạn nào cũng co ro vì lạnh, chân tay, quần áo lem nhem bùn đất. Cô Nga nhìn chúng em với ánh mắt ái ngại và thương cảm.

Cô khen chúng em chịu khó, chăm học, rồi cô bắt đầu giảng bài như thường lệ, chúng em say mê nghe, quên cả trời đang mưa lạnh.

Giờ chơi, các bạn ùa ra hành lang, túm năm tụm ba chuyện trò vui vẻ, em chợt nhớ tới Lâm và định bụng tan học sẽ ghé thăm xem bạn ấy vì sao mà nghỉ học.

Buổi trưa, ăn cơm xong, nghĩ tới đoạn đường đến nhà Lâm, em ngại quá! Em chui tọt vào chăn rồi ngủ quên mất.

Mãi đến tối, em lấy hết can đảm dấn bước trên con đường trơn trượt để đến nhà Lâm, em ngạc nhiên khi thấy bên ngọn đèn dầu, cô Nga đang giảng bài và hướng dẫn Lâm làm Toán.

Lâm quàng chiếc khăn kín cổ, mặt đỏ bừng như người đang sốt, nhìn cảnh ấy, lòng em xao xuyến lạ thường.

Em thương Lâm và kính phục cô bao nhiêu thì lại tự trách mình bấy nhiêu, lẽ ra tan học, em phải đến với Lâm ngay để giúp bạn ấy chép bài, làm bài mới đúng, em thật có lỗi với bạn Lâm và cô giáo.

Dường như nhận ra vẻ bối rối của em, cô Nga tươi cười bảo "Đạt tới thăm Lâm đấy ư? Tốt lắm ! Cô và hai em cùng giải mấy bài Toán khó này nhé".

Thế rồi cô tiếp tục hướng dẫn cặn kẽ cho tới lúc bạn Lâm tự làm được bài. Mẹ Lâm nói với em "Chiều qua, Lâm ra đồng giúp bác nhổ cỏ lúa nên bị cảm. Đêm nó sốt cao quá nên sáng nay phải nghỉ học. Nó mong cháu mãi đấy"

Nghe bác nói, em càng ân hận và trách mình sao quá vô tình chín giờ khuya, cô Nga cùng em trở về trên con đường lầy lội.

Lúc chia tay, cô dặn em "Nếu mai Lâm chưa đi học được thì Đạt tới chép bài cho Lâm nhé ! Bạn bè phải giúp đỡ nhau lúc khó khăn, em ạ !"

Em tần ngần đứng nhìn theo ánh đèn pin xa dần mà lòng dâng lên niềm kính phục và quý mến cô vô hạn.

Gần hai năm sống và học tập trong ngôi trường mới, em luôn nhớ đến những ngày thơ ấu dưới mái trường làng với bao kỉ niệm khó quên về thầy cô và bạn bè thân yêu. Mái trường đơn sơ nơi quê nghèo nhưng ấm áp tình người.

Những nội dung cân phải có khi về kỷ niệm với thầy, cô giáo mà em nhớ nhất

Cần phải xác định được rõ đối tượng cần được miêu tả và nó xuất hiện trong thời điểm nào.

Nhớ hoặc quan sát kỹ đối tượng từ hình dáng, kích thước, màu sắc của đồ vật và chất liệu tạo nên nó.

Ghi nhớ những nét bao quát và những nét cụ thể của đồ vật (cấu tạo bên ngoài, bên trong, từng bộ phận….). Sắp xếp các chi tiết ấy theo một trình tự hợp lí cho dễ miêu tả.

Lập dàn ý để bài viết để chúng ta có thể trình bày một cách khoa học hơn.

Lựa chọn từ ngữ, hình ảnh để xây dựng thành một bài văn tả đồ vật hoàn chỉnh.

P. Nhung ( t.h) GIADINHMOI.VN

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính