Chiều 20/10, bác sĩ Nguyễn Thị Vân Anh, khoa Phụ 2 (Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận 1 trường hợp bệnh nhân đặc biệt. Nữ bệnh nhân cho biết mang thai lần 3 được 6 tháng, vào viện khám do ra máu âm đạo nghiêm trọng khi mang thai khoảng 6 tháng, toàn thân phù nề có biểu hiện nhiễm độc.
Sau thăm khám, bác sĩ lập tức chỉ định mổ cấp cứu. Tuy nhiên khi mổ ra, bác sĩ phát hiện không có thai nhi, khối thai là trứng toàn phần, 100% bánh nhau là tổ hợp bọng nước với thể tích hơn 2 lít. Bệnh nhân bị chửa trứng.
Theo BS Vân Anh, chửa trứng là bệnh lý của nhau thai, khá hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 0,1% trong các ca mang thai. Trong đó một phần hay toàn bộ bánh rau bị thoái hóa thành những túi chứa đầy dịch, dính vào nhau thành chùm giống như chùm nho chiếm toàn bộ diện tích tử cung lấn át sự phát triển của bào thai.
Nguyên nhân do nguyên bào nuôi của gai rau phát triển quá nhanh, các tổ chức liên kết và mạch máu trong gai nhau phát triển không kịp, thoái hóa thành các bọng nước.
Chửa trứng hay gặp ở phụ nữ trước tuổi 20, sau 40 tuổi hoặc phụ nữ đã sinh đẻ nhiều lần, hoặc có tiền sử thai nghén lần đầu không bình thường. Một số trường hợp có bất thường ở dạ tử cung.
Chửa trứng gồm 2 dạng: Chửa trứng toàn phần (không có thai nhi) và chửa trứng bán phần (có thai nhi hoặc một phần thai nhi).
Bác sĩ cũng cho biết, chửa trứng đa số là lành tính nhưng nếu không theo dõi và điều trị đúng, 10 – 30% các ca chửa trứng có thể thành ác tính.
Chửa trứng ác tính khi lớp đơn bào ở trong xâm lấn ra ngoài, tràn vào niêm mạc tử cung, ăn sâu vào lớp cơ tử cung gây biến chứng nguy hiểm như thủng lớp cơ tử cung, chảy máu trong ổ bụng, thậm chí tiến triển thành ung thư tế bào nuôi.
Khi chửa trứng, bệnh nhân vẫn có dấu hiệu có thai như tắc kinh, nghén, vú căng tuy nhiên nghén nặng hơn và bụng to nhanh hơn bình thường.
Dấu hiệu nhận biết chửa trứng
Những dấu hiệu sớm để nhận biết chửa trứng là tình trạng ra máu âm đạo sớm vào khoảng tháng thứ 2 đến tháng thứ 4. Ra máu tự nhiên, màu đen, đỏ, ít một và dai dẳng. Dấu hiệu này thường gặp ở 90% các ca chửa trứng. Ngoài ra, bệnh nhân có thể đau bụng khi sắp sảy thai trứng hoặc có biến chứng.
Khi bị chửa trứng, người bệnh thường mệt mỏi, thiếu máu, có thể nhiễm độc thai nghén, đôi khi vàng da, nước tiểu vàng.
Trường hợp nặng có thể bị cường giáp khiến nhịp tim nhanh, da nóng ẩm, run tay, tuyến giáp to.
Khi siêu âm, bác sĩ sẽ không thể nghe thấy tim thai, không thấy túi ối, âm vang thai, có hình ảnh nhiều nang nước nhỏ lỗ rỗ như tổ ong hoặc thấy hình ảnh túi ối /bào thai đi kèm trong chửa trứng bán phần.
Để điều trị thai trứng, bác sĩ sẽ thực hiện lấy khối trứng ra ngoài tử cung bằng cách nong nạo hay hút nạo. Nếu thai trứng xâm lấn làm thủng tử cung, bác sĩ sẽ phải cắt tử cung toàn phần ở các phụ nữ không muốn có con nữa hoặc trên 40 tuổi để cầm máu.
Sau phẫu thuật, người bệnh được xét nghiệm định lượng beta hCG 2 tuần/lần trong 3 tháng đầu rồi 6 tháng/lần cho đến hết 12 tháng và tuyệt đối tránh thai trong vòng 18 tháng sau hút nạo.
BS Vân Anh cho biết, thai trứng không ảnh hưởng đến khả năng tiếp tục có thai của người mẹ, ngay cả khi người bệnh đã trải qua hóa trị. Không bị tăng nguy cơ thai chết lưu, dị tật bẩm sinh, sinh non, hoặc các biến chứng khác. Và tỉ lệ mắc thai trứng tái phát chỉ từ 1 - 2%.
Để phát hiện sớm chửa trứng cũng như các bất thường trong quá trình mang thai, các thai phụ cần khám thai đầy đủ ở cả 3 tam cá nguyệt của thai kỳ.
V.LinhBạn đang xem bài viết Hy hữu: Người phụ nữ mang bầu 6 tháng nhưng mổ ra không có thai tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].