Xì gà (cigar) từ trước tới nay vẫn được coi là một loại thuốc "sành điệu, thượng hạng" dành cho phái mạnh, nhưng trong 1 điếu xì gà có chứa nhiều lá thuốc lá nên cũng mang trong mình vô số thành phần gây hại như các loại thuốc lá thông thường.
Hầu hết các loại xì gà được sản xuất chủ yếu bằng một loại thuốc lá qua lên men, và được quấn bằng lá thuốc lá, chứa từ 1-20 g thuốc.
Trong nghiên cứu của FDA, trong máu những người yêu thích xì gà có hàm lượng cotinine, cadmium, chì và NNAL - những chất có thể gây ung thư hoặc độc tố có liên quan đến bệnh tim mạch và những biến chứng về hô hấp.
Trong quá trình lên men để làm xì gà đã tạo ra nồng độ nitrosamine cao gây ra ung thư. Các hợp chất này được thải ra khi hút xì gà và có nồng độ cao hơn khói thuốc lá.
Hút xì gà cỡ lớn (5-20 g) có thể mất từ 1 đến 2 tiếng mới hết một điếu. Thời gian hút thuốc lâu dẫn đến việc tiếp xúc nhiều với các chất độc hại (bao gồm cacbon monoxit, hydrocarbon, amoniac, cadmium và các chất khác).
Khói thuốc chứa chất nhựa, gồm hơn 4.000 hóa chất. Trong số các hóa chất này, người ta biết có 43 chất gây ung thư, gồm có xyanua, benzen, rượu methylic, axetylen...
Khói thuốc cũng chứa nitơ oxit và cacbon monoxit, cả hai đều là hơi độc.
Hút xì gà làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm miệng, thanh quản, thực quản và phổi. Hơn nữa, với những người hút xì gà hàng ngày, đặc biệt là những người khi hút thuốc thường hít khói vào sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và các bệnh về phổi khác.
Không những thế, một nghiên cứu của giới khoa học người Canada còn chỉ ra rằng, người hút xì gà có nguy cơ bị đột biến gen cao hơn người hút thuốc lá đến 2,42 lần.
Ngoài ra, cũng giống như thuốc lá, xì gà gây nghiện vì có chứa nicotine. Ngay cả khi bạn không hít khói thuốc vào thì nó vẫn có thể đi vào cơ thể qua đường hô hấp hoặc hấp thụ qua niêm mạc miệng.
Lượng nicotine trong một điếu xì gà tương đương với một hộp thuốc lá thông thường.
Lam (tổng hợp)Bạn đang xem bài viết Hút xì gà có hại như thế nào? tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].