GS.TS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam cho biết, với bệnh COPD, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh là các đối tượng có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào.
Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm không khí của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là ở các đô thị, các thành phố lớn cũng là yếu tố nguy cơ làm gia tăng số người mắc COPD và gây đợt cấp COPD khiến bệnh nhân phải nhập viện điều trị.
Do vậy, ô nhiễm không khí chính là mối nguy làm gia tăng số lượng người dân mắc COPD cũng như làm tăng mức độ trầm trọng của căn bệnh này.
Bên cạnh đó, tuổi càng cao (>40 tuổi), chức năng phổi càng suy giảm cũng là một trong các yếu tố nguy cơ gây ra COPD.
Các dấu hiệu giúp người dân có thể dễ dàng nhận biết sớm mình có mắc bệnh COPD hay không bao gồm các biểu hiện như: Ho và khạc đờm. Tuy nhiên triệu chứng này rất dễ bỏ sót do bệnh nhân chủ quan coi đó là triệu chứng bình thường của người hút thuốc lá.
Ở giai đoạn muộn, khi bệnh nhân có khó thở, thở khò khè, nặng dần theo thời gian, tức nặng ngực, có biểu hiện ho, khạc đờm nhiều đặc biệt vào buổi sáng.
Theo thống kê của Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân mắc COPD điều trị tại đây luôn chiếm khoảng 30% trong tổng số bệnh nhân điều trị tại trung tâm.
COPD là bệnh mạn tính, không chữa khỏi hoàn toàn được và bệnh tiến triển nặng lên liên tục.
Bệnh nặng lên ở các đợt cấp với các biểu hiện như khó thở tăng, ho, khạc đờm tăng, sốt và trong những trường hợp nặng bệnh nhân có thể tử vong.
Ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân có thể thấy khó thở ngay cả khi gắng sức nhẹ bao gồm cả việc hạn chế đi lại như đi dạo, đi chợ, hay khó khăn tổ chức các hoạt động.
GS.TS Ngô Quý Châu khuyến cáo, đối với những bệnh nhân mắc COPD, cần tuân thủ nghiêm túc các chỉ dẫn của bác sĩ như bỏ hút thuốc, tránh tiếp xúc với không khí ô nhiễm, nhiều khói bụi; dùng thuốc giãn phế quản và corticoid phù hợp, đầy đủ; tiêm phòng vắc-xin cúm và phế cầu.
Bên cạnh đó, bệnh nhân nên có kiến thức đầy đủ về bệnh COPD (hiểu về bệnh và các dấu hiệu cần thay đổi điều trị, khám bác sĩ hoặc nhập viện cấp cứu).
Ngoài ra, bệnh nhân nên duy trì tinh thần lạc quan thoải mái, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập luyện với mức độ phù hợp để nâng cao tình trạng sức khỏe chung.
Từ đó, bệnh có thể được kiểm soát, giảm các đợt cấp cần nhập viện và cải thiện chất lượng cuộc sống.
L.MinhBạn đang xem bài viết Không hút thuốc lá vẫn mắc phổi tắc nghẽn mạn tính chỉ vì điều quen thuộc này tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].