Hơn 5,8 triệu người ở Hà Nội đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19

Tính đến nay, Hà Nội đã tiêm được gần 7 triệu mũi vắc xin phòng COVID-19, trong đó có hơn 5,8 triệu mũi 1 và gần 1,2 triệu mũi 2.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội về công tác tiêm chủng, trong ngày 29/9, Hà Nội đã tiêm thêm 60.542 mũi. Như vậy, ngành Y tế Thủ đô và các viện, bệnh viện, đơn vị trung ương trên địa bàn đã tiêm được gần 7 triệu mũi vắc xin, trong đó có hơn 5,8 triệu mũi 1 (đạt 96,7% dân số trên 18 tuổi và 70,2% tổng dân số), gần 1,2 triệu mũi 2 (đạt 19,4% dân số trên 18 tuổi và 14,06% tổng dân số).

Để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, Hà Nội đã triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 diện rộng cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên đủ điều kiện trên địa bàn, đặc biệt lưu ý tiêm chủng cho người trên 65 tuổi, người có bệnh nền và phụ nữ mang thai trên 13 tuần.

  Tiêm vắc xin phòng COVID-19 là cách bảo vệ cả mẹ và bé. Ảnh minh họa

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 là cách bảo vệ cả mẹ và bé. Ảnh minh họa

Các chuyên gia y tế cảnh báo, phụ nữ mang thai hoặc không mang thai đều có nguy cơ nhiễm vi rút như nhau, song phụ nữ mang thai nếu chẳng may mắc COVID-19 thì dễ diễn tiến nặng hơn.

Vì vậy, việc chủ động phòng bệnh với nhóm này là rất cần thiết, nên tiêm vắc xin là cách bảo vệ cả mẹ và bé. Phụ nữ mang thai khi tiêm vắc xin COVID-19 vẫn được khám sàng lọc, tư vấn, tiêm và theo dõi sau tiêm theo đúng quy định.

Tuy nhiên, đây là nhóm đối tượng đặc thù nên cần được khám thai tại cơ sở y tế có chuyên khoa sản trước khi tiêm, hoặc bố trí tiêm ngay tại các bệnh viện để đảm bảo an toàn.

Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vắc xin thần tốc, bệnh viện đã thực hiện phương án phân công nhân lực với 220 cán bộ nhân viên tham gia điều động tiêm chủng.

Đồng thời, để đảm bảo việc tiêm chủng diễn ra an toàn, hiệu quả, bệnh viện đã bố trí các khu vực tư vấn, kiểm tra sức khỏe trước tiêm, phòng tiêm, phòng theo dõi sau tiêm với đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cần thiết, đáp ứng quá trình tiêm, quản lý, theo dõi sức khỏe cho từng đối tượng tiêm chủng trước, trong và sau tiêm.

Ngoài các bước khám sàng lọc như với các đối tượng thông thường, phụ nữ mang thai trước khi tiêm phòng COVID-19 được tiến hành khám loại trừ các yếu tố nguy cơ như tiền sản giật, bong nhau non, các tai biến sản khoa… để xử trí trước khi tiêm.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, sau tiêm vắc xin phòng COVID-19, thai phụ cần phải theo dõi sức khoẻ kỹ hơn cả với mẹ và bé, nếu có các dấu hiệu nghiêm trọng xuất hiện như sốt cao, tím tái, thở dốc... cần liên hệ ngay với bác sĩ để được khám, tư vấn ngay lập tức. Sau tiêm một đến hai tuần, thai phụ nên đi khám định kỳ để kiểm tra sức khỏe của cả mẹ và bé.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính