1. Hội chứng ống cổ chân là gì?
Tương tự như hội chứng ống cổ tay tuy không phổ biến bằng nhưng nếu bạn thấy đau và tê bàn chân có thể bạn đang bị hội chứng ống cổ chân (Tarsal Tunnel Syndrome).
Tỷ lệ mắc hội chứng ống cổ chân vẫn chưa được thống kê, đây là một bệnh ít gặp vì vậy thường không được chẩn đoán ở giai đoạn sớm.
2. Nguyên nhân của hội chứng ống cổ chân
Ống cổ chân là khoảng hẹp nằm sau mắt cá chân trong, cạnh xương cổ chân.
Ống cổ chân được bao phủ bởi một dây chằng dày giúp bảo vệ các cấu trúc bên trong gồm mạch máu, gân cơ và dây thần kinh chày.
Vì vậy, bất cứ nguyên nhân nào gây chèn ép lên dây thần kinh chày sẽ gây ra hội chứng ống cổ chân như:
- Viêm khớp
- Chấn thương, bong gân.
- Đái tháo đường
- Giãn tĩnh mạch, u nang, viêm gân hoặc gai xương…
- Người có bàn chân bẹt có nguy cơ mắc hội chứng ống cổ chân cao hơn
Ngoài ra, hội chứng ống cổ chân cần phân biệt với các bệnh lý khác thường gặp hơn như viêm gân Achilles, viêm bao hoạt dịch cổ chân, viêm cân gan bàn chân, gai xương gót…
3. Triệu chứng của hội chứng ống cổ chân
Người bệnh có triệu chứng lan dọc theo đường đi của dây thần kinh chày từ sau mắt cá trong xuống bàn chân.
Cảm giác có thể là đau, tê, ngứa ran, hoặc cảm giác tương tự như bị điện giật.
Các triệu chứng thường được cảm nhận ở bên trong mắt cá chân và hoặc ở lòng bàn chân.
Ở một số người bệnh, triệu chứng có thể kéo dài đến gót chân, ngón chân và thậm chí bắp chân.
Triệu chứng thường xuất hiện hoặc trầm trọng hơn khi sử dụng bàn chân quá mức như đứng lâu, đi bộ, tập thể dục…
Trường hợp nặng người bệnh có thể có teo cơ và yếu liệt bàn chân.
4. Làm sao để chẩn đoán hội chứng ống cổ chân?
Bác sĩ sẽ kiểm tra và sờ nắn bắt đầu bằng việc kiểm tra mắt cá trong và bàn chân để tìm kiếm các biến dạng, các khối u và những thay đổi ở trên da.
Bác sĩ sẽ ấn mạnh phía sau mắt cá trong khoảng 30 giây hoặc cho đến khi các triệu chứng phát triển.
Nghiệm pháp được coi là dương tính nếu người bệnh cảm thấy dị cảm, tê hoặc đau từ cổ chân lan xuống bàn chân.
Ngoài ra, hội chứng ống cổ chân dễ dàng được chẩn đoán xác định bởi đo dẫn truyền thần kinh (điện cơ).
Chụp Xquang giúp xác định bất thường xương khớp, siêu âm để đánh giá ống cổ chân và cấu trúc mô mềm.
5. Điều trị hội chứng ống cổ chân như thế nào?
5.1. Điều trị bằng Y học hiện đại
Người bệnh cần nghỉ ngơi, bất động, chườm lạnh, có thể kết hợp sử dụng sóng siêu âm, tập vật lý trị liệu.
Miếng lót giày tùy chỉnh có thể được chỉ định để giúp duy trì vòm chân và hạn chế chuyển động quá mức.
Về thuốc thường là nhóm thuốc chống viêm giảm đau không steroid (NSAID) sử dụng đường uống hoặc tiêm, và thuốc corticosteroid có thể hữu ích trong điều trị giảm viêm.
Phẫu thuật là lựa chọn tốt để điều trị hội chứng ống cổ chân mức độ nặng.
5.2. Điều trị bằng Y học cổ truyền
Các vị thuốc YHCT có tác dụng hành khí hoạt huyết thường sẽ được chỉ định; các phương pháp như châm cứu, điện châm, thủy châm, laser châm, cấy chỉ…được kết hợp điều trị giúp giảm liều thuốc giảm đau, nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian trị liệu.
Hội chứng ống cổ chân có thể được điều trị khỏi hoàn toàn và không cần phẫu thuật nếu người bệnh được phát hiện và điều trị sớm trước khi teo cơ hoặc có triệu chứng yếu liệt bàn chân.
ThS BS. Phạm Thị Bình Minh
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3
Bạn đang xem bài viết Hội chứng ống cổ chân là gì? Cách điều trị hội chứng ống cổ chân kết hợp Đông - Tây y tại chuyên mục Các bệnh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].