Học tiếng Anh qua YouTube: Cùng con phân vai, lồng tiếng qua phim hoạt hình

Hiện nay, YouTube là một nguồn học tiếng Anh miễn phí, hữu ích cho phép trẻ tiếp xúc với tiếng Anh bản ngữ. Ở đó, có nhiều kênh học tiếng Anh đa dạng, nhiều hình thức phong phú. Hôm nay Gia Đình Mới xin giới thiệu một kênh YouTube thú vị dành cho trẻ nhỏ: English Singsing.

english singsing

English Singsing là một kênh học tiếng Anh cho trẻ em nhiều lứa tuổi, giúp trẻ học tiếng Anh theo phương châm vừa học, vừa chơi.

English Singsing luôn cố gắng tạo nội dung vui nhộn, phù hợp với đặc điểm năng động, ưa khám phá của trẻ em.

Các video có nhiều thể loại đa dạng như: Nursery Rhymes (thơ ca cho trẻ em), Dialogue (hội thoại), Song (bài hát), Rap (rap), Story (kể chuyện), Phonics (phát âm đánh vần),...

Hầu hết các video đều có nhạc hiệu dễ nghe, giai điệu vui tươi, lượng từ vừa đủ với trẻ nhỏ nên trẻ dễ nhớ, dễ thuộc.

Điểm đặc biệt thú vị ở kênh English Singsing là một số dạng video có chế độ hát karaoke, đó là hai mục Nursery RhymesSong.

Một bài hát sẽ được phát lên hai lần, lần một có lời và lần hai, sau khẩu hiệu "Let's Sing" (Cùng hát nào), bài hát được lặp lại nhưng không có lời để mẹ và bé cùng hát theo nhạc.

Ví dụ: Video "Năm chú khỉ con nhảy trên giường" (Five little monkeys jumping on the bed)

Tương tự, với mục Dialogue, trong mỗi video, một đoạn hội thoại sẽ được phát hai lần. Lần thứ nhất cho bé nghe các nhân vật nói chuyện bằng tiếng Anh, và lần thứ hai sau khẩu hiệu "Let's Role-play" (Cùng phân vai nào) đoạn phim sẽ được phát lại nhưng không có tiếng của nhân vật. 

Bạn có thể cùng bé phân vai và lồng tiếng cho các nhân vật trong đoạn phim hoạt hình. 

Ví dụ về một đoạn hội thoại đơn giản với chủ đề "Chào buổi sáng":

Những đoạn hội thoại này giúp tăng khả năng phát âm, cải thiện ngữ điệu cho bé một cách tự nhiên rất tốt.

Bạn có thể xây dựng các hoạt động tương tác giữa bố mẹ và con cái qua những đoạn hội thoại như vậy bằng các bước sau:

1. Trước tiên, phát lại nửa đoạn đầu video (có tiếng nhân vật) và dừng lại sau mỗi câu ngắn, cùng con lặp lại. Chú ý các phát âm, nhấn nhá và biểu cảm của nhân vật.

2. Nếu trong đoạn đối thoại có từ mới: Thông thường trẻ có thể đoán được ý nghĩa qua đoạn phim minh họa, nhưng bạn có thể giải thích rõ hơn nếu trẻ chưa hiểu, tốt nhất nên diễn đạt bằng hành động hoặc bằng một số từ tiếng Anh.

3. Phân vai: Một đoạn đối thoại có thể có từ 2, 3 đến 4, 5 vai. Mỗi người có thể đảm nhiệm 1-3 vai, ví dụ mẹ vào vai các nhân vật nam, con vào vai các nhân vật nữ. Sau đó có thể đổi ngược lại.

Khi lồng tiếng nhân vật, bạn có thể linh hoạt thay đổi giọng nói cho phù hợp với đặc tính của nhân vật ấy: trẻ em, người lớn, nam, nữ,... Điều này sẽ tăng tính thú vị và tự nhiên thay vì đọc tiếng Anh một cách cứng nhắc. Chú ý biểu cảm bằng cả khuôn mặt và giọng nói, chẳng hạn giọng khi vui và khi buồn sẽ phải khác nhau.

4. Diễn kịch: Sau một vài lần lặp lại, bạn và con đã có thể nhớ nội dung đoạn hội thoại. Hãy tắt video đi và cùng con diễn lại câu chuyện ấy. 

Hiện nay kênh YouTube này đã có hơn 400.000 lượt đăng ký, các video có hàng triệu đến chục triệu lượt xem. Quả là đáng tiếc nếu bạn bỏ lỡ một kênh học tiếng Anh cho bé thú vị như vậy.

18840a60-2169-41be-8738-4e16b439d56a

Mặc dù rất hữu ích nhưng YouTube cũng có thể tiềm ẩn nhiều hiểm họa vì nội dung không được kiểm soát chặt chẽ, nếu bạn không quản lý, bé có thể xem được những nội dung không phù hợp trên YouTube.

Xem điện thoại, tablet, máy tính quá lâu cũng không tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần của bé.

Do đó, bố mẹ nên có một thời gian biểu cụ thể quy định thời gian nào bé có thể xem video trên YouTube. Tốt nhất không cho bé xem liên tục quá 15 phút. 

Mặc dù có ứng dụng YouTube Kids giúp các bậc phụ huynh quản lý thời lượng và nội dung trẻ xem, nhưng Gia Đình Mới khuyên các bố các mẹ nên bên con khi cho con học tiếng Anh trên YouTube vì những lý do sau:

1. Bố mẹ cần theo sát tiến trình học của con, giúp con học tuần tự, xem video có chủ đích để tăng hiệu quả học tập.

2. Bé cần có người cùng tương tác qua lại, nếu chỉ có các thiết bị điện tử bé có thể sa vào tình trạng thụ động.

3. Học tiếng Anh qua các hoạt động đối thoại, phân vai, lồng tiếng, diễn kịch ngoài tăng hiệu quả học cũng làm tăng sự tương tác giữa bố mẹ và con.

Ngoài ra, khi cùng con học tiếng Anh, cố gắng cho con xem ở màn hình lớn như điện thoại, máy tính, ngồi với khoảng cách đủ xa để dành không gian tương tác giữa bố mẹ và con, cũng như giải phóng đôi tay cho ngôn ngữ hình thể.

Trang Đặng / GIADINHMOI.VN

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính