Hiểu đúng về chức năng giáo dục, xã hội hóa đối với trẻ em của gia đình

Chức năng giáo dục, xã hội hóa đối với trẻ em là một trong những chức năng quan trọng của gia đình, giúp trẻ em có điều kiện và cơ hội phát triển toàn diện.

Ngày nay, ở Việt Nam, theo điều tra Xã hội học thì  trong nhiều gia đình, chi phí cho giáo dục chiếm tới 30% thậm chí tới 50% thu nhập của gia đình. Điều đó chứng tỏ chức năng giáo dục, xã hội hóa là vô cùng quan trọng đối với gia đình.

Hiện nay có một số quan điểm cực đoan về quyền trẻ em khi cho rằng chúng có quyền làm những gì chúng thích. Đây là quan điểm sai lầm. Chúng ta thực hiện quyền trẻ em là tôn trọng chúng, không xúc phạm nhân cách và thân thể chúng, tạo điều kiện cho chúng phát triển còn trong ý nghĩa quyền trẻ em không chỉ bao hàm quyền được hưởng thụ sự nuôi dưỡng, giáo dục mà còn cả trách nhiệm của chúng đối với gia đình và xã hội.

Ngày nay có những cô bé mới 13, 14 tuổi đã sẵn sàng ngủ với các ông già đáng tuổi ông mình, có vợ con thậm chí có cháu để lấy tiền hoặc quyền lợi vật chất khác rồi có thai và nạo thai rất dễ dãi khi cơ thể còn quá non nớt. Có những cậu bé mới hơn 10 tuổi đã phạm tội hiếp dâm, giết người. Đó là vì chúng không được giáo dục cẩn thận từ gia đình, nhà trường và xã hội. Rồi còn các vụ bạo lực học đường mà mức độ dã man và vô cảm của nó đã nói lên tình trạng thiếu hụt giáo dục đối với trẻ.

Tất cả các trường hợp vi phạm pháp luật xảy ra, kẻ phạm tội đều hối hận khi đã quá muộn. Ở đây có cả trách nhiệm làm cha mẹ trong việc thực hiện chức năng giáo dục- xã hội hoá của gia đình.

Gia đình là môi trường xã hội hoá đầu tiên của con người. Ảnh minh họa

Gia đình là môi trường xã hội hoá đầu tiên của con người. Ảnh minh họa

Giáo dục là một bộ phận của xã hội hoá. Giáo dục là sự truyền dạy của một người đến người khác (A đối với B) còn xã hội hoá là cả sự truyền dạy lẫn sự tiếp thu (A đối với B và B đối với A). Đây là  sự phản hồi tích cực của con người đối với việc hoàn thiện nhân cách. Trên ý nghĩa đó, xã hội hoá còn bao hàm cả ý nghĩa tự giáo dục của con người (B đối với B).

Như vậy Xã hội hóa là một tiến trình kéo dài suốt đời dựa trên sự tương tác xã hội qua đó cá nhân phát triển khả năng con người của mình và học các mẫu văn hóa của xã hội. Đây là quá trình biến đổi từ con người sinh vật sang con người xã hội. Xã hội hóa là quá trình qua đó kinh nghiệm xã hội cung cấp cho cá nhân những phẩm chất và năng lực mà chúng ta kết tinh dần để hoàn thiện mình. Đối với xã hội nói chung, xã hội hóa là phương tiện dạy văn hóa cho mỗi thế hệ mới. Gia đình là môi trường xã hội hoá đầu tiên của con người. (John.J. Macionis, 1987)

Hiểu một cách khác thì xã hội có trước các thành viên của nó, các thành viên này trước khi muốn tác động đến xã hội thì phải hoà nhập vào cái xã hội mà họ được hình thành bởi nền văn hoá ấy, và nằm trong đó, quá trình ấy gọi là xã hội hoá. Được xét dưới khía cạnh này, xã hội hoá là một sự thực tập có tính chất thường xuyên.

Thật vậy, con người hàng ngày học hỏi các ý niệm, các tiêu chuẩn và các giá trị của các nhóm xã hội và xã hội tổng quát trong đó diễn ra cuộc sống của họ, và họ thể hiện thành các thái độ xử sự ít nhiều xứng hợp với nhau. Nhưng xét dưới góc cạnh xã hội, sự xã hội hoá là một chức năng cần thiết của xã hội từ lúc nó tồn tại, thì xã hội chỉ có thể tìm cách áp đặt các nhu cầu cần của nó, nghĩa là giáo dục con người để biến họ thành một trong những thành viên của mình.

Sự thực tập này đặc biệt rõ nét và sâu sắc ở tuổi thơ, vì nó được thực hiện ở trong lòng cộng đồng gia đình là tác nhân thứ nhất của sự xã hội hoá. Ở cái tuổi này của cuộc sống, cái tuổi dễ uốn nắn nhất, sự xã hội hoá có tầm quan trọng cơ bản, và đã được chuẩn bị bởi môi trường gia đình, các giá trị của nó và lối sống của nó. Sự phát hiện bản thân và thế giới bên ngoài, sự ý thức được một tính chủ thể vốn thức tỉnh trí não con người và họ tự phân biệt dần khoảng cách mong manh, phân cách họ với thế giới các vật thể, được thực hiện đồng thời với việc đưa đứa trẻ hoà nhập vào nhóm gia đình với những sự kiện đầu tiên của đạo đức và văn hoá của gia đình. Tóm lại, đứa trẻ học tập cách xử sự theo những sơ đồ đã được xác lập.

Nói chung, trước đây quá trình này là có tính chất tự nhiên và phần lớn là vô thức. Nó được thực hiện bởi và trong các quan hệ của người mẹ, người cha, ông bà với các anh chị em và tất cả những người khác trong gia đình. Tính nhiều mặt đó đem lại cho đứa trẻ một hình ảnh và một sự thu gọn lại tính muôn vẻ của thế giới và của xã hội.

Trẻ em cần được dạy dỗ, uống nắn để nhận thức điều tốt và xấu, đúng và sai. Ảnh minh họa

Trẻ em cần được dạy dỗ, uống nắn để nhận thức điều tốt và xấu, đúng và sai. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, có hai mặt của sự xã hội hoá đầu tiên đặc biệt đáng chú ý. Trước hết đó là một sự hiểu biết mơ hồ về tốtxấu, đúng và sai, các chuẩn mực này đã mang cả một nền văn hoá của xã hội mà con người đang sống. Người ta ghi nhận rằng sự nảy sinh ý thức về cái đúng và cái sai đã diễn ra cùng với kinh nghiệm về thưởng phạt được hưởng hoặc phải gánh chịu, cũng như với kinh nghiệm về quyền lực. Từ rất sớm, tất cả các chiều cạnh của xã hội đều có mặt, và vì thế, xã hội hoá là một sự giáo dục toàn diện nhất.

Trong một thời gian dài, sự giáo dục gia đình về các giá trị và các phong tục đi kèm theo sự giáo dục về các sự vật cụ thể và vật chất của cuộc sống, sự giáo dục này thường được uỷ nhiệm cho những người thân thuộc trong các gia đình giàu có hoặc bận rộn. Với các gia đình nghèo, sự giáo dục này gần như không được chú ý do không có điều kiện. Ngày nay, quá trình xã hội hoá dài hơn và nhanh hơn nhiều, gia đình không phải là tác nhân duy nhất. Có những nhóm khác bổ sung cho nó, thay thế nó và đặc biệt là nhà trường, tác nhân công cộng và chính thức của  xã hội hoá, hoặc những nhóm khác như bạn bè, cộng đồng mà những đứa trẻ thuộc về, ngay từ khi nó bắt đầu vượt qua ngưỡng cửa gia đình, tự giải phóng mình khỏi gia đình.

Nhưng khi ấy thì sự xã hội hoá trở thành phức tạp hơn, và tác động của những tác nhân khác nhau được thể hiện bằng những sự xử sự khác nhau, cả khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực. Gia đình phải tính đến các ảnh hưởng từ bên ngoài, và cái bên ngoài này lại phải tính đến cái mà đứa trẻ đã tiếp thu được từ trong gia đình. Trong thế giới công nghiệp hoá phức tạp, giai đoạn này của sự xã hội hoá là một bước đường dài, đặt đứa trẻ, rồi người thanh niên vào trong vòng quay của nó. Trong khi vũ trụ của những tri thức phát triển theo chiều rộng hơn là bề sâu, thì kinh nghiệm về sự vật cụ thể của đời sống xã hội lui lại phía sau. Phải mất nhiều thời gian hơn để trở thành một người lớn so với quá khứ.

Một tác nhân xã hội hoá nữa là các phương tiện thông tin đại chúng như vô tuyến truyền hình, sách, báo, internet đã được sử dụng ngay trong gia đình. Các phương tiện này góp phần tạo ra một nền văn hoá xoay quanh hình ảnh và tác động của nó đến việc hình thành nhân cách trẻ em là vô cùng to lớn.

Nhưng  xã hội hoá không kết thúc cùng với việc bước vào tuổi già. Ở tuổi mà mọi cuộc sống hoạt động của con người theo một quy luật tưởng như đã được biết trước thì con người vẫn liên tục cần tìm hiểu cái mới, cái bất ngờ. Bằng chứng là hiện nay có rất nhiều người già vẫn cặm cụi học hỏi từ điện thoại, máy tính, Internet, Facebook... Khẩu hiệu : học, học nữa, học mãi vẫn là khẩu hiệu rất đúng đắn cho mọi người

Ở tuổi già vào lúc về hưu, con người lại phải thích ứng với cuộc sống, phát hiện ra những cách mới để hoà nhập vào nó, nếu không muốn rơi vào sự cô đơn hoặc bị loại trừ.

Trích sách Gia Đình Thăng Long - Hà Nội/GS.TS Lê Thị Quý

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính