Hạt sen trong y học cổ truyền gọi là liên nhục, còn có các tên gọi khác như liên tử, liên thực, tương liên. Liên nhục có tên khoa học là semen nelumbinis, họ nelumbonaceae. Hạt sen không chỉ là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, món ăn quen thuộc trong mỗi gia đình mà còn được sử dụng trong y học cổ truyền, đem lại hiệu quả điều trị rất nhiều bệnh.
Hạt sen rất giàu dinh dưỡng, thành phần chính là tinh bột, ngoài ra, còn có protein 14,8% (gồm các acid amin, threonin 2,42%; methionin 0,82%; leucin 3,23%; isoleucin 1,11%; phenylalanin 12,64%), dầu béo 2,11% (gồm các loại acid béo, cùng một số khoáng chất cần thiết như phốt pho, canxi, natri và kali).
Theo y học cổ truyền, vị thuốc liên nhục có vị ngọt, tính bình, quy vào kinh tâm, thận, tỳ.
Hạt sen trong Đông y có công dụng ích thận, bổ tỳ, sáp trường, an thần, dưỡng tâm, cố tinh, với các tác dụng bổ khí huyết, thanh tâm, thanh hỏa, hóa ứ, mạnh tỳ, trừ nhiệt, chỉ khát. Bệnh nhân dùng lâu sẽ giúp trị mộng mị, bổ tâm an, cố tinh, dưỡng sinh cơ, ích tỳ sáp trường, ích khí lực, giao tâm thận, cường gân cốt, lợi nhĩ mục, trừ hàn thấp…
Mặc dù hạt sen rất tốt, nhưng có những người không nên ăn hạt sen:
Người mắc bệnh tim mạch
Hạt sen không dùng cho những người bị bệnh tim mạch bởi trong tâm sen chứa độc tính alkaloid. Nếu muốn sử dụng hạt sen làm thuốc trước tiên phải khử độc rồi mới dùng. Có thể khử độc bằng cách sao tâm sen ngả màu vàng nhưng không cháy để độc tố thoát hết ra ngoài.
Cần chú ý liều dùng và không nên dùng lâu dài. Vì vậy những người mắc bệnh tim khi dùng hạt sen nhất thiết phải bỏ tâm hoặc dùng tâm sen với lượng vừa phải.
Người bị rối loạn tiêu hóa
Trong Đông y, hạt sen có tính bình, không độc nên nếu dùng hạt sen đúng cách hoặc với lượng vừa phải sẽ có tác dụng kiện tỳ – kích thích tiêu hóa hay chữa các bệnh đường tiêu hóa. Nhưng nếu sử dụng không đúng cách hoặc quá liều, hạt sen có thể gây đầy bụng, khó tiêu, táo bón. Bởi vì trong hạt sen có chứa nhiều vitamin và các khoáng chất, khi đang bị rối loạn tiêu hóa sẽ khiến cơ thể rơi vào tình trạng hấp thu khó khăn hơn.
Không dùng cho trẻ nhỏ, trẻ biếng ăn
Hạt sen nhiều dinh dưỡng nhưng trẻ nhỏ ăn sẽ khó tiêu hoá. Nguyên nhân là hệ thống tiêu hóa của trẻ rất nhạy cảm vì còn quá non nớt không thể hấp thụ được các chất, ngược lại, có thể gây dị ứng và mẩn đỏ. Do đó, không nên trộn hạt sen để nấu cháo cho bé vì sẽ gây nên chứng đầy bụng, khó tiêu và biếng ăn ở trẻ nhỏ.
Những lưu ý khi sử dụng hạt sen
Để phát huy tối đa lợi ích mang lại và đồng lợi hạn chế mắc phải các tác hại của hạt sen, trong quá trình sử dụng hạt sen bạn cần lưu ý một số điều dưới đây:
Chữa mất ngủ nên dùng riêng tâm sen
Công dụng điều trị mất ngủ, thức giấc ban đêm phần lớn nhờ vào các hoạt chất có trong tâm sen, do vậy nên kết hợp dùng cả hạt và tâm sen hoặc tốt nhất là sử dụng riêng phần tâm sen.
Khử độc tâm sen
Tuy tâm sen là bộ phận chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe nhưng cũng có độc tố alkaloid. Vì thế trước khi dùng tâm sen để sắc nước uống hay hãm trà, bạn nên rửa sạch với nước muối loãng, khử độc bằng cách sao vàng hoặc phơi khô.
Hạt sen không nên ăn với gì?
Mặc dù hạt sen tốt cho sức khỏe nhưng không phải thực phẩm nào cũng có thể kết hợp được với loại thực phẩm này. Các thực phẩm như cua, thịt rùa không được ăn cùng với hạt sen vì sẽ gây ngộ độc.
Vỏ lụa hạt sen có tốt không?
Vỏ lụa bên ngoài hạt sen là một lớp mỏng, khá cứng bề ngoài, nhiều người thường vỏ mà không biết công dụng của nó mang lại. Vỏ hạt sen có thể đem đi phơi khô dùng để pha trà và còn là nguyên liệu để bốc thuốc.
Cũng giống như bổ sung bất cứ loại thực phẩm nào, bạn cần cân đối liều lượng hạt sen khi thêm vào các món ăn và bài thuốc bồi bổ cơ thể, để tránh các tác hại của hạt sen thì không nên lạm dụng quá nhiều gây ảnh hưởng tới sức khỏe nhé.
Trên đây là những người không nên ăn hạt sen và những lưu ý khi ăn hạt sen để tốt cho sức khỏe.
Bạn đang xem bài viết Hạt sen rất bổ nhưng 3 người không nên ăn kẻo lợi bất cập hại tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].